Non nước Việt Nam

Đôi nét về làn điệu dân ca 'Hò khoan Quảng Bình'

Cập nhật: 09/12/2010 09:25:59
Số lần đọc: 2659
Quảng Bình là vùng đất văn vật có di chỉ văn hóa Bàu Trò, trống đồng Phù Lưu. Vì thế mảnh đất này cũng có bề dày về những nét dân gian đặc sắc ca dao, vè, phong tục lễ hội. Không thể không kể đến những làn điệu dân ca mượt mà thấm sâu vào lòng của mỗi người dân Quảng Bình như ca Trù của làng Đông Dương, hát Sim của đồng bào Vân Kiều, hò khoan Lệ Thủy...
Trong đó, hò khoan Lệ Thủy - hò khoan Quảng Bình là một làn điệu dân ca đã ăn sâu vào máu thịt của bao nhiêu thế hệ người dân Quảng Bình. Sau một thời gian tưởng chừng mai một, hò khoan Lệ Thủy đang dần hồi sinh và hứa hẹn sẽ đưa dân ca tỉnh nhà phát triển mạnh.

Nằm ở phía Nam của Quảng Bình, ôm trọn dòng Kiến Giang thân thương, trìu mến với những tinh hoa của ruộng đồng, làng quê, Lệ Thủy đã sản sinh ra đứa con tinh thần trên dòng sông thơ mộng trong xanh bao đời. Đứa con nuôi dưỡng bao tâm hồn, với những con người đi vào lịch sử dân tộc, đi vào thơ và nhạc.

Làn điệu dân ca Lệ Thủy, là làn điệu tâm tình có sức sống mạnh mẽ cuốn hút lòng người, gồm có chín làn điệu (chín mái): Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì vá hò nậu xắm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi).

Trước đây, người ta hò mái chè, mái nện lúc cất nhà, quết vôi nện cươi (nện sấn) và nện móng xây dựng đền chùa với ngụ ý cầu mong cho cuộc sống vững chải, bốn bề gia thất yên ổn, quê hương gia đình ấm no. Mái nhì hò lúc cày ruộng, xay lúa, làm đồng, nhằm an ủi mình trước cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", mong ước cuộc sống no ấm, sung túc. Hò mái ba lúc chèo đò, chèo nôốc đưa đám để cầu mong cho đôi vợ chồng trăm năm hạnh phúc, con đàn cháu đống. Hò khơi khi đánh cá và hò lĩa trâu khi làm nương, làm rẫy, khi kéo gỗ. Vào những dịp lễ hội, thường là vào mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ) hai bên nam thanh, nữ tú thôn quê mộc mạc đêm đêm hát đối đáp thi giữa các làng, có khi là cùng một làng nhằm kết tình hữu hảo, có khi là tìm bạn tình. Hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc, dung dị, mà cũng rất gần gũi, trìu mến, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ nhưng chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa và cũng rất nghệ thuật trong cả lời lẫn nhạc.

Trong làn điệu, có hai phần chính là phần xô và phần đối đáp. Phần xô là phần hát đầu tiên khi vào lời bài dân ca, thường là Hò khoan (hơ) hỡi khoan (hơ) mời bạn xô (hò) hò khoan. Sau đó là phần hát đối đáp của hai bên nam nữ, trong khi hát phần xô xen lẫn với phần lời thoại. Phần xô tiếp theo nhịp "Ơ là xô" rồi đến "Hơ hô khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan", có khi xen kẽ nhau. Hết bên đối đáp này kết thúc thì bên kia tiếp tục. Thường thường trong lối giao duyên này, bên nữ ca trước.

Dao duyên

Làn điệu hò khoan Quảng Bình

(Nữ) Hò khoan (hơ) hời khoan

(hơ) mời bạn xô (hơ) hô khoan

(Xô) ơ là hô!

(Nữ) Thiếp gặp chàng dạ mừng hớn hở

Chàng gặp thiếp như mà hoa nở trên (hơ) bồn,

(Xô) Hơ hô khoan ơ là hò khoan ơ hò khoan

(Nữ) Nghiêng tai mà hỏi với trai khôn,

Thầy mẹ ở nhà đã sửa (hơ) chậu

(Xô) Ơ là hô!

(Nữ) Ơ (hơ) sửa chậu xây bồn mô (hơ) chưa?

(Xô) Ơ là hô

(Nam) Anh nỏ thiếu chi nơi màn loan mà chiếu kế,

Nỏ thiếu chi nơi mà cao bệ dài (hơ) giường.

(Xô) Hơ hô khoan ơ là hò khoan ơ hò khoan

(Nam) Em đừng chê anh nghèo mà tráo đấu lường thưng,

Em chớ nghe thầy với ơ (hơ) mẹ.

(Xô) Ơ là hô!

(Nam) Ơ hơ với mẹ khiến em đừng có thương ơ (hơ) anh!

(Xô) Ơ là hô.

                                                                       (Sưu tầm)

Nhạc cụ chính trong hò khoan Lệ Thủy là đàn nhị và mõ. Hai loại nhạc cụ này khi hòa vào nhau thì âm thanh dịu dàng, sâu lắng và rất đỗi thắm thiết, mến thương. Âm hưởng chủ đạo của nhạc cụ là âm hưởng làng quê mộc mạc, gần gũi nên cứ mỗi lần làn điệu được ca lên thì âm hưởng đó xuyến xao như tiếng lòng của làng quê Việt.

Làn điệu dân ca Quảng Bình đang tự xây dựng cho mình vị trí riêng và xây dựng thế đứng cho những tác phẩm nhạc mang âm hưởng dân gian với những sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, nhạc sĩ Dương Viết Chiến.... với những Nhật Lệ trăng huyền thoại, Phố biển tình anh... vẫn còn đọng lại trong lòng người hâm mộ những cảm xúc khó nói thành lời.

Ngày nay trong xu thế phát triển chung, với sự xâm nhập của nhiều thể loại nhạc trẻ, nhạc nước ngoài đang dần làm mai một dần những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có những làn điệu dân ca. Việc bảo tồn và phát triển hò khoan Lệ Thủy nói riêng và dân ca Quảng Bình trong tổng thể văn hóa Việt Nam là điều đáng được chúng ta quan tâm và phát triển. Hi vọng những giá trị đó sẽ được lưu giữ cho đến muôn đời sau.

Nguồn: Quảng Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT