Non nước Việt Nam

Tục nướng cá tế thần ở Đình Tổ (Bắc Ninh)

Cập nhật: 10/12/2010 14:12:01
Số lần đọc: 1891
Hội làng Đình Tổ (xã Đình Tổ) huyện Thuận Thành có nghi thức “nướng cá tế thần”-một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cư dân bờ Nam sông Đuống.

Theo những bậc cao niên trong làng, tích “nướng cá tế thần” ở Đình Tổ gắn với câu chuyện của vị Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh (người thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình). Lê Văn Thịnh vốn học rộng tài cao, năm 25 tuổi (1075), ông đỗ đầu khoa thi đầu tiên do nhà Lý tổ chức, mở đầu cho nền học vấn khoa cử phong kiến Việt Nam. Khi ấy chưa có hàm Trạng nguyên, Lê Văn Thịnh được coi là vị Trạng nguyên khai khoa, được bổ nhiệm vào chức quan Tả thị lang, là thầy dạy vua Lý Nhân Tông suốt mười năm. Năm 1096 ông gặp nạn, bị khép vào tội mưu phản giết vua trong “vụ án hồ Dâm Đàm” và bị đi đầy ở Thao Giang (Phú Thọ).

 

Khoảng ba năm sau, Lê Văn Thịnh được ân xá. Trên đường về quê đến chợ Điềng (Thuận Thành), ông dừng chân nghỉ lại. Một nông dân thấy cụ già gầy yếu như hành khất liền biếu bát cháo hoa để cụ ăn. Bác nông dân hỏi “Cụ có thèm ăn thứ gì nữa không?”, cụ trả lời muốn ăn một khúc cá. Bác nông dân lựa được con cá mè hoa đem nướng một khúc biếu cụ. Lê Văn Thịnh ăn cá xong nằm nghỉ và mất tại đó. Dân làng Điềng khi biết đó là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh liền đưa cụ ra một gò nổi bên bờ sông Dâu. Xác cụ được mối đùn kín, dân làng thấy lạ liền chôn cất và lập đình thờ, tôn cụ làm Thành hoàng làng. Cũng từ đó, đình làng Điềng đổi tên thành Đình Tổ, tức là đình thờ vị Tổ của nền khoa bảng nước Nam và làng Điềng đổi tên thành làng Đình Tổ từ đấy.

 

Tưởng nhớ đến bậc tiền nhân khoa bảng và người nông dân đôn hậu chất phác bên chợ Điềng thuở nào, cứ vào dịp 12 tháng 8 Âm lịch (ngày mất của Lê Văn Thịnh), người Đình Tổ lại tổ chức hội đình để “Nướng cá tế thần” và nấu cháo dâng cúng Thành hoàng và ông bà tổ tiên.

 

Đình Tổ có 4 xóm là Nghè, Đình, Chùa và Sông. Chuẩn bị cho ngày đình đám, mỗi xóm lựa chọn 3 con cá mè hoa mình dài vừa khít chiếc lá dong (còn gọi là mè lá dong), mỗi con nặng chừng từ 2,5kg. Gia đình nào được chọn giao nuôi cá thường chuẩn bị từ đầu năm và coi đó là phúc lớn cho họ hàng, dòng tộc. Ngày 06/8 (Âm lịch) cá được bắt lên, mổ moi, không chặt đuôi, để nguyên vẩy, bụng cá được nhồi đặc lá chuối khô. Mọi công đoạn đều do thanh niên chưa vợ đảm nhiệm. Trước khi nướng, gia chủ cho đào ba hố nhỏ giữa nền nhà, dùng ống tre tươi tác đôi xuyên qua hai bên mang xuống bụng cá rồi cắm xuống theo kiểu “trồng cây chuối”; sau đó dùng cây duối khô hoặc cây gỗ thơm đốt lấy, gạt xuống hố tạo hơi nóng để cá chín dần đều bằng sức ép từ than củi. Cứ như vậy sau ba ngày ba đêm cá chín, gia chủ đem chiếc bồ đựng thóc mới mua treo ngược lên xà nhà để cất giữ cá. Trong những ngày nướng, chủ nhà mổ ba con lợn cọc thết đãi trai làng để họ làm nhiệm vụ. Sang ngày 11, cá được đưa lên kiệu, miệng ngậm hoa dâm bụt chờ các bậc cao niên cùng trai làng mang cờ lệnh và trống vào rước ra đình tế lễ. Đoàn rước cá đi đến đâu, dân làng trống rong cờ mở đến đó. Sau lễ tế Thánh, đoàn rước gồm kiệu long đình, ngựa trắng và kiệu bát cống tiếp tục hành trình từ đình làng ra bãi Nghè tế “Mục dục” vào ngày 12. Sáng ngày 13 người trong thôn cờ hoa, trống lệnh náo nức lên đê chờ đoàn kiệu long đình từ Lệ Chi (Gia Lâm-Hà Nội), một làng kết chạ với Đình Tổ cách đó chừng 3 cây số sang cùng thực hiện nghi thức tế cộng đồng chung vui cùng đông hội).

 

Nghi thức nướng cá tế thần là nét văn hóa lễ hội (di sản phi vật thể) được trao truyền qua nhiều thế hệ ở làng Điềng. Cụm di tích đình chùa làng (di sản văn hóa vật thể) được bảo tồn gìn giữ, trong đó đình làng Đình Tổ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ năm 2004. Trong đình hiện lưu giữ hai bức hoành phi cổ “Khai quốc Trạng nguyên-Tiền triều lương sứ”.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT