Non nước Việt Nam

Nghi lễ đón dâu của người Giáy ở Lào Cai

Cập nhật: 13/12/2010 08:12:32
Số lần đọc: 1724
Dân tộc Giáy ở Lào Cai sinh sống tập trung thành từng làng, bản bên các triền khe suối, dưới chân đồi, cư trú chủ yếu ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng. Bản sắc văn hoá truyền thống của người Giáy rất phong phú và đa dạng, trong đó nghi lễ cưới hỏi.

Trước khi diễn ra lễ cưới chính thức, bắt buộc phải  trải qua nghi lễ: dạm ngõ, dạm hỏi. 

Hai nghi lễ này chủ yếu bàn luận việc kết hôn của đôi trẻ. Lễ vật gồm: một đôi gà trống, 2 chai rượu, 2 thúng bánh dầy. Sau khi nhận lễ vật, nhà gái trao bản lục mệnh của cô gái (tấm vải điều) ghi đầy đủ 12 cung cho đại diện nhà trai nhận và từ đây hai gia đình chính thức công nhận sự đính hôn của đôi trẻ. Lễ ăn hỏi tiến hành sau lễ dạm hỏi từ 2 - 3 tháng, trong nghi lễ ăn hỏi, hai bên gia đình thống nhất tìm ngày tốt, giờ tốt để định ngày cưới và giờ đón dâu, lễ vật dẫn cưới tuỳ thuộc vào yêu cầu của họ nhà gái. Trong ngày lễ ăn hỏi, chú rể trao nhẫn cưới hoặc vòng tay cho cô dâu làm vật tín ước đánh dấu sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Trong lễ cưới diễn ra một số nghi lễ: lễ căng dây (đón chào cô dâu, chú rể), đoàn đón dâu nhà trai gồm: 8 - 10 thành viên, trên người chú rể và phù rể buộc dải vải màu đỏ chéo ngực, tay cầm ô đen cùng đoàn đón dâu đi chỉnh tề vào tới ngõ. Nhà gái cử 4 cô gái trẻ chăng ngang sợi dây đỏ cản lối không cho đoàn nhà trai vào. Lúc này diễn ra cuộc hát đối đáp giữa họ nhà gái và đoàn đón dâu nhà trai, cuộc hát đối đáp diễn ra đến khi nào bên nhà trai hát đối đáp lại tất cả các bài hát đối nhà gái yêu cầu, lúc đó các cô gái mới hạ dây đỏ cho đoàn đón dâu vào ngõ.

Sau khi vượt được chặng đường chăng dây đầu tiên, đoàn nhà trai lại trải qua lễ giữ cửa. Trên chiếc bàn đặt giữa cửa ra vào, nhà gái bày đủ các thứ như: chổi quét bằng rơm đặt ngang qua chậu nước, một con dao đặt trên cái thớt, hoặc một chiếc nơm bắt cá hay chiếc lồng nhốt mèo… Muốn qua chặng này, đoàn đón dâu nhà trai lại phải hát đối đáp với nội dung xin nhà gái bỏ vật chướng cản đường, cứ hát đối đáp cho đến khi nhà gái hạ hết các thứ trên bàn xuống mới được vào nhà. Sau khi vào nhà, tiếp tục thực hiện nghi lễ: rải chiếu; mời ngồi; mời trầu; cúng báo Tổ tiên; đáp ơn dưỡng dục; xin đón dâu; trình diện; lễ nộp cô dâu… cuối cùng là vui bữa rượu cưới.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT