Trang phục của người Dao đỏ ở Văn Yên (Yên Bái): Thực dụng và đậm nét văn hóa
Chẳng hạn, tên của ngành Dao hay Mán Thanh Y được dựa đặc điểm màu xanh chủ đạo của trang phục. Ngành Dao quần chẹt là dựa vào đặc thù quần của nữ giới được may bó sát vào đùi, bắp chân vấn xà cạp. Đối với người Dao ở huyện Văn Yên, đa số thuộc ngành Dao Đại Bản nhưng trang phục của nữ giới được tạo điểm nhấn bằng những gam màu đỏ của vải hoặc sợi trên nền vải đen nên còn được gọi là Dao đỏ. Riêng với trang phục của cô dâu người Dao đỏ thì chỉ cần chiếc mũ cũng đã chiếm tới hơn nửa màu đỏ trong tổng thể của cả bộ trang phục.
Kết cấu bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ ở Văn Yên, đối với nam giới không có gì khác biệt lắm so với trang phục nam giới trong các ngành Dao cũng như trang phục nam giới của một số dân tộc khác. Đàn ông Dao đỏ thường đội mũ nồi hoặc vấn khăn dài như một chiếc mũ rộng vành. áo chàm được may theo lối cổ khoanh bí, áo dài gần trùm mông, vạt áo may thẳng có cài khuy lộn dọc từ ngực xuống bụng, sau lưng áo có miếng vải hoa văn hình bùa chú nhằm chống lại sự tấn công của thú dữ, ma quỷ làm hại từ phía sau. Một loại áo khác được may ngắn qua thắt lưng một chút, vạt cài khuy lộn từ nách trở xuống. Quần của đàn ông là quần thụng vải đen, may kiểu chân què bổ đũng dài gần chạm cổ chân và cạp quần luồn dây rút bằng sợi vải hoặc sợi gai.
Trang phục của nữ giới thường được may công phu hơn và gồm có các bộ phận: khăn, áo, thắt lưng, quần, xà cạp. Khăn là một băng vải màu đen khá dài và khi vấn thì một đầu khăn được áp vào tóc, đầu còn lại được vấn quanh đầu thành tháp nhịn, sau đó vắt đuôi khăn qua đỉnh đầu buông dài ngang lưng. áo phụ nữ thường may dài gần ngang mông và phần cổ cũng được viền những băng vải hoa văn màu đỏ trông rất đẹp và vạt áo bên phải là vạt bên trong có cúc bấm vào phía trong của vạt ngoài (vạt trái) rồi kéo vạt trái sang bấm vào hàng cúc dọc hạ theo sườn phải. Hai bên cổ áo thường được đính những chùm sợi màu đỏ buông dài xuống bụng. Sau lưng áo của nữ giới cũng có một mảng hoa văn có hình bùa chú.
Quần của phụ nữ Dao đỏ được máy theo kiểu quần bổ đũng, đũng rộng nhưng ống quần may thuôn, bó dần xuống phía gấu và quần chỉ dài gần tới mắt cá chân, gấu quần rất to được làm bằng một băng vải hoa văn và ống chân được quấn xà cạp. Cạp quần được đai chặt vào eo bởi dây lưng vải và tiếp tục đai thêm một băng dây lưng khác có rất nhiều sợi màu buông tua dài xuống đùi để tôn thêm vẻ sặc sỡ của trang phục. Cùng với vẻ đẹp khi mặc bộ trang phục này thì hình thức bên ngoài của phụ nữ Dao đỏ càng được tôn lên rất nhiều bởi bộ trang sức như các vòng bạc to đeo cổ và nhiều sợi dây xà tích bằng bạc.
Theo những nghiên cứu về dân tộc học thì việc người Dao nói chung và người Dao đỏ nói riêng, trên trang phục thường có nhiều màu là bởi nó gắn với sự tích về tướng quân Bàn Hộ đã phải hoá thân thành con long khuyển mình rồng ngũ sắc để đột nhập vào thành giết chết Cao vương cứu đất nước của Bàn vương khỏi bị tiêu diệt. Vì vậy, Bàn vương truyền dạy con cháu người Dao đời đời về sau phải mặc quần áo có nhiều màu sắc để nhớ ơn tướng quân Bàn Hộ.
Các nghiên cứu về trang phục truyền thống của người Dao đỏ còn cho thấy, trang phục của người Dao đỏ vừa bảo đảm yếu tố thực dụng nhưng cũng rất sâu đậm sắc thái văn hoá. Quần áo đàn ông may rộng là để phù hợp với đặc thù công việc leo núi, chặt cây, săn bắn… thường phải vận động nhanh, mạnh mẽ. Trang phục của phụ nữ có nhiều màu và may bó sát vào cơ thể nhằm tôn lên vẻ đẹp, sức hấp dẫn hình thể của phụ nữ. Đồng thời, kiểu trang phục này lại ngăn chặn được bụi bặm khi làm nương, hạn chế được khí hậu, thời tiết lạnh, ẩm xâm nhập vào cơ thể. Xà cạp có tác dụng chống lạnh, ngăn ngừa muỗi, vắt, vật cứng, nhọn làm tổn thương ống chân, nhất là nó hạn chế được cả nguy cơ rắn cắn.