Non nước Việt Nam

Tinh hoa cạp váy người Mường (Yên Bái)

Cập nhật: 15/12/2010 08:12:08
Số lần đọc: 1928
Cạp váy của người Mường là cả một kho tàng, là cả một nghệ thuật - nghệ thuật tạo hình. Cái riêng, cái độc đáo nhất của trang phục được thể hiện ở cạp váy. Chính cạp váy đó là điểm khác biệt nhất, không lẫn với trang phục của các dân tộc khác.

Cạp váy  do ba bộ phận dệt riêng rồi can lại với nhau. Phần trên cùng người Mường gọi là rang trên, có hoa văn trang trí là hoa văn hình học (hình thoi hoặc hình vuông, hình tam giác…), có chiều rộng gần 20 cm. Rang trên có màu sắc chủ yếu là màu đen và trắng. Tiếp theo là rang dưới, đây là bộ phận quan trọng nhất của cạp váy, được dệt với màu đỏ và vàng nổi trên nền đen với hoa văn hình động vật như: rồng, hươu, nhện, bướm, ếch, rùa, công, con phượng…đó là những con vật gắn bó, gần gũi với cuộc sống và các sự tích của người Mường, nó được những “nghệ nhân ” phác hoạ ngay trên trang phục của họ. Ngoài ra,  phần rang dưới này được trang trí bằng nhiều màu sắc và chúng có các dải ngăn cách bằng hoa văn hình chong chóng. Rang dưới khác hẳn hai bộ phận khác của cạp váy, về kích thước và tính chất trang trí. Hoa văn trang trí chủ yếu của rang dưới  là động vật. Phần cuối cùng của cạp nối với thân váy gọi là cao. Cao là một chuỗi những vệt màu đứng thẳng. Cao váy rộng từ 10-15 cm được dệt các sọc màu, mỗi sọc to nhỏ khác nhau. Có sọc mang hoa văn hình học, có sọc mang hoa văn hình cây, lá cách điệu.

Ngày nay, cuộc sống có nhiều đổi thay, trang phục của người Mường cũng dần cách điệu cho phù hợp với nhịp điệu và hơi thở của cuộc sống mới.

 

Trang phục được cách tân thay đổi từ cạp váy đến màu dùng để nhuộm cạp. Trước đây, màu dùng để nhuộm hoàn toàn là lấy từ tự nhiên, từ các cây, quả, lá trên rừng như vỏ cây pang. Khử màu bằng nhựa của cây đu đủ ( cơl dưa), cây xoan ( cơl xan). Trong phổ màu của dệt cạp váy, màu đen đóng có vai trò quan trọng. Quá trình tạo màu được làm hoàn toàn thủ công, từ đôi tay khéo léo, cần mẫn của các cô gái, của các mế,. Nhưng hiện nay,  các sản phẩm màu tự nhiên đã được thay thế bằng các loại phẩm màu hoá học có sẵn ngoài chợ phong phú với nhiều màu sắc nhưng màu hoá học chóng phai hơn màu cổ truyền.

 

Cạp váy không chỉ là một bộ phận trang phục, có vị trí quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật trang trí cổ truyền của dân tộc Mường. Nhìn vào cạp váy của người Mường, bắt gặp những nét tương đồng trong nghệ thuật điêu khắc trên trống đồng Đông Sơn. Đó là hình thù của những chú chim, hình ảnh của con nhện, châu chấu…

 

Kỹ thuật dệt cạp váy rất khó, bao gồm nhiều khâu, thao tác phức tạp hơn dệt vải thông thường, do vậy, đòi hỏi sự khéo léo cao. Chàng trai Mường kén chọn vợ cũng dựa một phần vào các sản phẩm thêu dệt như cạp váy của các thiếu nữ làm ra để mà kén chọn. Nhìn vào cạp váy mà có thể đoán biết được sự khéo léo, tinh tế của người con gái. Xuân về, hội đến, chính là dịp để người con gái Mường “khoe” cái tài của mình, các thiếu nữ Mường xúng xính trong bộ trang phục truyền thống do tự tay mình làm ra.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT