Lập Đề án "Bảo tồn giá trị di sản văn hoá phi vật thể thế giới Không gian văn hóa cồng chiêng" Tây Nguyên
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ cho Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam: Chủ trì thực hiện việc lập Đề án, đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung và tiến độ theo yêu cầu; Trình Bộ thẩm định và phê duyệt đề cương, dự toán của Đề án theo đúng các chế độ quy định hiện hành của Nhà nước; Báo cáo thường kỳ (03 tháng) về kết quả thực hiện nhiệm vụ để Bộ tổ chức nghiệm thu theo quy định hiện hành. Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn sự nghiệp kinh tế giao về Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam năm 2010.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại (15/11/2005). Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Ba Na, Mạ, Lặc...
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,...)...
Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng như ở Tây nguyên, Lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch./.