Quảng Nam: Ngày xuân chơi hội bài chòi
Hai hình thức vui hội này đều có sức mê hoặc kì lạ, không những với người trong cuộc mà hấp dẫn cả đối với người xem dù không mấy hiểu về phương ngữ.
Trước kia, nếu như hò khoan có thể tổ chức nhiều lần trong năm vào những ngày nông nhàn, tấn vụ, trong những ngày hội làng. Còn hội Bài chòi chỉ được tổ chức vào dịp tết Nguyên Đán. Vì vậy, vào cuối tháng chạp, khi những chiếc chòi lá được dựng lên, mọi người đều nô nức chờ đến tết để dự hội bài chòi. Chính vì thế mà ca dao dân ca Quảng Nam có câu:
“Rủ nhau đi hội bài chòi
Để con nó khóc cho lòi rún ra”
Chừng ấy đủ thấy niềm đam mê chơi bài chòi của ông cha ta lớn như thế nào.
Bài chòi đã trở thành một thú chơi dân gian tao nhã, đầy ý nghĩa của người dân xứ Quảng nồng nàn và cởi mở trong những ngày xuân. Cũng chính vì thế mà ngày xuân ở nơi đây nếu không có những hội bài chòi thì sẽ thiếu đi rất nhiều ý nghĩa.
“Bài chòi mở hội đầu xuân.
Hội vui đón tết, hội mừng non sông
Vui chơi cho phỉ tấm lòng
Chờ 12 tháng nữa mới mong tựu tề.”
Bài chòi được sử dụng các con bài của bộ bài tới (30 lá bài), được đặc tên theo danh vị, đặc tính biểu trưng của người, tên các con vật đồ vật như: thầy, trò, nghèo, thái tử, gióng, rế, gà, voi…Mỗi lá bài được đặt ra nhiều lời hô bằng thai chòi thường là lục bát, hoặc lục bát biến thể để miêu tả, hay mô phỏng đặc tính của mỗi con bài. Khi tham gia chơi bài, mỗi người được nhận một thẻ bài trên đó có dán ba lá bài khác nhau và ngồi vào các chòi đã dựng sẳn. Trong khi chơi, người cầm hiệu lần lượt hô các con bài, người chơi phải chú ý lắng nghe để biết con bài trúng. Ai may mắn trúng hết các con bài trong thẻ sẽ là người thắng cuộc.
Đến xem bài chòi ở những vùng nông thôn nơi mảnh đất này, sẽ thấy cảnh tượng nơi đây thật lạ có ca sĩ, nhạc sĩ, có diễn viên, có sân khấu hẳn hoi nhưng khán giả chẳng hề ngồi không thưởng thức như thường thấy. Khán giả cũng có thể đứng lên tham gia vào những câu thai, hay thay danh hiệu để hô những con bài, hoặc có thể thay một vài nhạc công trong đó để cùng hòa nhịp với hội. Những con người chân chất mộc mạc của vùng đất nắng gió ấy, hầu như ai cũng thuộc, cũng hát được những câu bài chòi, cả những câu hát khó.
Các câu hát sử dụng trong hội bài chòi ngày xuân thường nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình phụ mẫu, tình phu thê thủy chung, đề cao những đức tính phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội, những tập tục lỗi thời lạc hậu hay chỉ đơn thuần là những tình cảm với cái cày, cái cuốc, với chú trâu, đàn vịt, đàn gà quanh nhà… Hình thức vui chơi này không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần, mà bài chòi chính là sân khấu trình diễn của làn điệu dân ca đặc trưng của con người nơi đây. Trẻ con, người già, chị phụ nữ, anh nông dân… ai cũng có thể hát, ai cũng có thể diễn, có thể hô để lôi kéo mọi người cùng tham gia.
Thời công nghiệp văn minh, nhiều loại hình giải trí hiện đại dần thế chỗ nhưng may mắn thay đó đây vẫn còn thói quen tổ chức những hội bài chòi, đặc biệt những hội chòi này vẫn thu hút rất đông người và như thế vẫn còn nhiều người yêu thích bài chòi.
Qua bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử, bài chòi đang phục hưng trở lại từ quê hương phố cổ. Nhiều nhà nghiêm cứu và du khách đã nói rằng tuy Hội An không phải là chiếc nôi sản sinh ra bài chòi, nhưng nay hiển nhiên đã là một địa chỉ có thương hiệu về loại hình này. Đến Hội An để được nghe và tham gia một vài hội bài chòi, là một phần trong hành trình du lịch đến với phố cổ. Bài chòi Hội An đã không còn quanh quẩn trong những bức từng vôi của phố cổ nữa, mà đã thật sự “xuất khẩu” đi khắp nơi. Đã có nhiều đoàn phim trong nước và quốc tế đến thực hiện những thước phim khắc hoạ đậm chất văn nghệ dân gian, đậm chất diễn xướng sáng tạo độc đáo ở xứ này.
Ở Hội An thông thường bài chòi chỉ được tổ chức vào tối thứ bảy hàng tuần và vào những ngày rằm, khi đó phố cổ sẽ được thắp đèn lồng, bài chòi vang lên trong một khung cảnh thơ mộng yên bình. Nhưng bây giờ, có thể thấy hầu như rất nhiều những hội bài chòi được tổ chức, ở nhiều những địa điểm của phố cổ. Một điều thú vị nữa, thời gian gần đây nhiều người yêu mến bài chòi đã chuyển soạn những điệu hát ra các thứ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… để du khách người nước ngoài có thể tham gia trực tiếp vào trò chơi đầy nhân văn và ý nghĩa, đậm chất dân tộc và đặc trưng của vùng đất này. Chính vì thế, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu chúng ta nghe thấy một giọng nước ngoài hát bài chòi bằng thứ tiếng của họ khi đến với Hội An. Đây có lẽ là một hình thức làm du lịch mới của những người làm du lịch đầy sáng tạo và cũng là một cách quảng bá nền văn hóa Việt Nam độc đáo, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta.