Hoạt động của ngành

Khảo sát xây dựng các tour du lịch đồng quê

Cập nhật: 20/01/2011 08:01:54
Số lần đọc: 3115
Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Sở VH, TT & DL Hải Phòng tổ chức khảo sát xây dựng tuyến du lịch du khảo đồng quê gồm chùa Thắng Phúc (tại làng Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng), tham quan Khu Di tích Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ), cánh đồng muối xã Bằng La (Đồ Sơn).

Cả 3 điểm trên đều trong quá trình đang xây dựng với hy vọng hình thành điểm du lịch mới để hút khách ngoài các điểm đến truyền thống với mong muốn khách sẽ có thời gian lưu trú tại Hải Phòng lâu hơn.


Bà Đặng Thị Thọ, đại diện Công ty du lịch Phượng Hoàng cho biết: Trong 3 điểm khảo sát, khả dĩ nhất là quần thể Di tích tưởng niệm Vương triều nhà Mạc có thể thu hút được du khách, đặc biệt với khách nội địa.

 

Bởi công trình hiện đang được xây dựng ngay trên chính quê nội của Mạc Đăng Dung, người có công lập ra Vương triều nhà Mạc khi nhà Lê suy tàn vào thế kỷ XVI.

 

Quần thể di tích này thờ 5 vị vua nhà Mạc và có sự xuất hiện của một bảo vật quốc gia 500 tuổi chính là thanh Định Nam đao của Mạc Đăng Dung. Quần thể di tích này được xây mới song có chiều sâu văn hóa, lịch sử có thể xây dựng điểm đến trong tour tìm hiểu văn hóa, lịch sử, thậm chí tâm linh.


Trong khi đó, tại Bằng La (Đồ Sơn), nơi có nghề làm muối thủ công lâu đời ở Hải Phòng, nhưng do nghề muối không đủ nuôi sống người dân, diện tích ruộng muối bị thu hẹp đáng kể, chỉ còn khoảng 26-29 ha nhưng nếu khai thác tốt vẫn có thể tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.

 

Anh Phạm Hoàng Tuấn, đại diện Công ty du lịch Vietnamtourist tại Hà Nội cho biết, với cơ sở hạ tầng như hiện nay mới chỉ thu hút được khách nội địa, trong đó hướng tới mô phỏng lại nghề truyền thống cho học sinh vùng đô thị; đồng thời có thể hướng tới khai thác dòng khách du lịch “Tây ba lô”. Ông Cao Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng La cho hay:


Nếu muốn tạo dựng sản phẩm du lịch “Một ngày với nghề muối” cho du khách ở đây thì phần đầu tư cho cơ sở vật chất là rất lớn như đường giao thông, vệ sinh môi trường, cảnh quan tự nhiên, đầu tư làm lại một số ruộng muối đúng tiêu chuẩn.

 

Hơn nữa, người dân nơi đây chưa từng làm du lịch nên cần được tập huấn rất kỹ càng. Nếu sản phẩm này được hình thành thì du khách sẽ được tham gia làm các khâu sản xuất muối cùng người dân theo từng bước của quy trình, từ ăn ở trong nhà của người dân và có thể cùng nông dân “mò cua bắt ốc” trong khu rừng ngập mặn.


Ông Nguyễn Anh Tuân, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Hải Phòng cho rằng: Cánh đồng muối Bằng La cũng là một tài nguyên du lịch nhưng nếu muốn phát triển du lịch ở đây không thể chỉ làm đơn phương khôi phục nghề truyền thống như trước mà cần có các sản phẩm liên quan đến muối như spa thư giãn bằng muối, du lịch cộng đồng (homestay), khai thác rừng ngập mặn.

 

Hy vọng tới năm 2013, khi Hải Phòng đăng cai năm du lịch quốc gia, sản phẩm này sẽ được đưa vào khai thác để phục vụ du khách, góp phần tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hải Phòng.


Đại diện các doanh nghiệp thuộc CLB lữ hành Hà Nội góp ý: Du khách quốc tế rất thích tìm hiểu những điều bình dị, gần gũi trong đời sống của người Việt Nam.

 

Thế nên khi xây dựng tour nên chú ý đến những điều nhỏ, bình dị nhưng cụ thể để có thể hình thành sản phẩm, phục vụ được ngay. Ngoài các sản phẩm tour tham quan nội thành Hải Phòng qua trung tâm thành phố, chùa Dư Hàng, đình Hàng Kênh, tượng đài Nữ tướng Lê Chân, chợ Sắt, chợ Ga; ngành du lịch Hải Phòng tập trung phát triển du khảo đồng quê khi khách quốc tế quan tâm, tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống và làng nghề nổi tiếng, được trực tiếp tham gia các hoạt động cùng với nghệ nhân để tạo ra sản phẩm lưu niệm cho chính họ.

 

Trong đó, một số điểm đến được du khách ưa thích là Khu Di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thăm nghệ nhân chạm khắc gỗ, xem biểu diễn múa rối cạn tại miếu Bảo Hà.

Nguồn: Báo Tin tức

Cùng chuyên mục