Non nước Việt Nam

Tết của dân tộc Pa Cô và Vân Kiều (Quảng Trị)

Cập nhật: 20/01/2011 10:01:03
Số lần đọc: 2103
Vào những ngày này hằng năm, người dân tộc Pa Cô và Vân Kiều huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị lại rộn ràng đón Tết của dân tộc mình - Tết lúa mới (hay còn gọi Tức A Bôn).

Khi những bông lúa trên rẫy đã chín vàng thì cũng là khi bà con dân bản chuẩn bị những nghi lễ đã tồn tại hàng ngàn năm nay để cúng Giàng, cúng thổ thần đất đai, cúng tổ tiên… đó cũng chính là những nghi lễ mừng một mùa lúa mới của bà con. 

 
Biểu diễn văn nghệ, một hoạt động diễn ra trong ngày Tết.


Tết về trên nương rẫy 


Đối với dân tộc Pa Cô, khi lúa chín vàng đầy rẫy, họ cùng nhau gặt về đem tuốt lúa ra khỏi thân. Khi mọi công đoạn đã gọn gàng sạch sẽ họ bắt đầu tổ chức những nghi lễ cúng Tết lúa mới. Thông thường ở từng gia đình họ tự soạn những mâm lễ theo khả năng của mình, nói chung là theo lòng thành và hoàn cảnh. Nếu như dân tộc Pa Cô cúng Tết lúa mới khi đã gặt hái xong xuôi thì dân tộc Vân Kiều lại làm lễ cúng trước khi tổ chức gặt, chưa cúng mà gặt coi như phạm tục cấm kỵ. Mỗi nhà chuẩn bị những thứ như gà, rượu, các loại bánh nếp, xôi… để đặt lên mâm cúng. 


Những người đàn ông trụ cột chính trong gia đình là những người trực tiếp dâng hương báo cáo. Thứ nhất là báo cáo với Giàng, tiếp nữa là báo cáo thổ thần, tổ tiên những người đã khuất. Nói cho Giàng nghe tình hình mùa màng năm nay như thế nào, được hay thua. Báo cáo cho thổ thần biết tránh mất mùa do chuột hay thú rừng phá hoại và sau nữa là báo cáo và xin Tổ tiên chứng giám mà phù hộ cho mùa sang năm được bội thu hơn. 


Các loại bánh không thể thiếu trong lễ Tết lúa mới đó là bánh Beng, Acoắt, Aduh… Tất cả các loại bánh này đều làm bằng gạo nếp nấu chín sau đó đem giã nhuyễn cùng với mè đen, muối để thêm phần đậm đà. Chị Hồ Thị Kim Cúc - người dân tộc Pa Cô cho biết: "Cứ vào thời gian này, khắp bản trên thôn dưới đều vui mừng đón Tết lúa mới của dân tộc mình. Nhà nào cũng tổ chức hết, họ làm những món để dâng cúng rất đẹp và công phu. Họ mời những bậc cao niên, già làng, trưởng bản đến để chung vui và chứng kiến những thành quả mà họ có được. Những gia đình nào không may mùa này được ít lúa thì họ cúng cầu cho mùa tới được bội thu hơn. Những nhà nào năm nay đã được mùa thì cầu xin những mùa tới lại thêm phần bội thu hơn thế…". 


Nét đặc trưng của hai dân tộc 


Ngày nay cũng như dân tộc Kinh, người dân tộc Pa Cô và Vân Kiều đón Tết lúa mới tuỳ theo hoàn cảnh từng gia đình. Nhà nào có điều kiện thì mổ heo, giết gà… còn không có thì một vài loại bánh, thịt luộc, xôi dâng lễ sau đó ăn Tết bình thường. Không như ngày xưa nhất nhất khi cúng Giàng, Tổ tiên, Đất đai phải đầy đủ các lễ vật. 


Già làng Hồ Pả Vị - người dân tộc Vân Kiều kể lại: "Cứ theo lệ xưa, ai cũng vậy có ít cúng ít có nhiều cúng nhiều sau đó tiến hành gặt và tổ chức ăn Tết lúa mới bình thường như người Pa Cô. Thường bà con khi đón Tết lúa mới mà có được khách quý đến nhà chung vui là mừng cái bụng lắm. Như rứa là Giàng đã nghe được những lời của dân bản nói và nhất định những mùa vụ tới sẽ tốt tươi". 


Lễ cúng Tết lúa mới ngoài nghi thức báo cáo với Trời đất, Tổ tiên, thổ thần về kết quả của một mùa thì nó còn là khi để người dân cầu cho mùa màng luôn tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhà nhà, người người trong thôn bản đều dồi dào sức khỏe. 


Thời gian trôi qua, bốn mùa luôn chuyển, có những thứ tưởng như sẽ mai một dần theo thời gian, tuy nhiên với những nét văn hóa riêng biệt như Tết lúa mới của dân tộc Vân Kiều và Pa Cô thì còn sống mãi. Ngày nay người dân tộc vùng cao họ cũng đã có những thay đổi ít nhiều trong tập quán sinh hoạt hằng ngày. Họ đã bắt đầu theo Đảng để chung vui đón Tết Nguyên đán mà theo cách nói của họ là Tết Bác Hồ. 


Có thể thấy rằng, với dân tộc Vân Kiều cũng như dân tộc Pa Cô, Tết lúa mới là một nét văn hóa riêng biệt. Đây cũng là dịp để họ nhớ đến Tổ tiên những người đã sinh ra mình, đồng thời cũng là dịp họ tỏ tấm lòng thành kính biết ơn đối với những vị bô lão của tộc mình. Qua đó họ cũng muốn nhắn nhủ với con cháu đời sau những nét văn hóa đẹp của dân tộc mình cần phải biết giữ gìn đừng làm mai một…

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT