Non nước Việt Nam

Tết giã rạ của đồng bào Kor Tây Trà (Quảng Ngãi)

Cập nhật: 21/01/2011 14:01:01
Số lần đọc: 2392
Tết giã rạ với bánh lá đoót lá dong của người Kor huyện Tây Trà Quảng Ngãi, tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng hàm chứa giá trị  nhân văn sâu sắc. Đây là một trong số những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Kor còn lưu trữ đến hôm nay.

Cũng như đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi Quảng Ngãi, đồng bào Kor ở huyện Tây Trà đã gắn lâu đời trên mãnh đất  với địa hình toàn bộ là đồi núi hiểm trở. Cùng với cây quế người dân ở đây thường trồng lúa trên các đồi núi khô cằn và phó mặc may rủi cho ông trời. 

s

Làm cho được cái ăn nhọc nhằn như thế, tư tưởng của bà con sau khi thu hoạch lúa phải biết ơn “Thần lúa” đã cho cái rẫy mình nhiều hạt. Và tết giã rạ là lúc để bà con tỏ lòng biết ơn Thần lúa sau một vụ mùa.


Tết giã rạ đã ăn sâu vào  tâm thức người Kor từ lâu đời, góp phần tô thêm nét văn hoá độc đáo và riêng lẻ của dân tộc mình. Tết giã rạ người Kor gọi là Xa anít, có vùng gọi là Xa viết, trước đây nhân dân sống trên các nhà sàn dài thường gọi là nóc. Mỗi nóc thường có nhiều hộ gia đình cùng huyết thống sinh sống.


Với điều kiện kinh tế của mỗi nóc khác nhau, nên khi tổ chức tết giã rạ theo khả năng của mình những vẫn giữ chung những hương vị truyền thống như: Tổ chức tết phải có gạo nếp trong ống lồ ô, bánh lá dong và lá đoót. Tất cả các loại bánh đều làm bằng nếp rẫy, bánh lá đoót hình dạng như bánh ú của người Kinh.


Để làm bánh lá đoót người Kor dùng loại nếp  trồng được trên rẫy, giã sạch vỏ lúa cho ra hạt trắng tinh, sau đó ngâm nước vài tiếng đồng hồ. Sau đó vo sạch để ráo, dùng lá đoót quấn chéo hình tam giác, gói nếp vào bên trong lá cuốn lại, dùng dây rừng buộc chặn. Thường 1kg nếp gói khoảng 25 bánh. Cũng như bánh lá đoót bánh dong to hơn và gói thành hình hộp chữ nhật.


Sau khi gói bánh xong, bỏ chung trong một nồi để nấu. Quá trình nấu thường thường bắt đầu  từ khi trời nhá nhem tối và kéo dài cho tới nửa đêm.


Bên bếp lửa bập bùng, mọi người trong nhà trong nóc quây quần bên nồi bánh tết, cùng kể về những chuyện đã làm trong thời gian qua, bàn tính việc làm rẫy, kể về chuyện bắt thú rừng...


Vui  nhất là các em nhỏ đôi mắt cứ tròn xoe, xúm xít bên ngọt lửa hồng. Chuyện của người Kor ngồi bên bếp lửa không khác nào người Kinh miền xuôi nấu bánh tét trong đêm giao thừa đón tết.

Bánh được nấu chín, người chủ trong gia đình lựa chọn những bánh đẹp nhất, mang lên đặt nơi trang trọng để cúng. Cùng với bánh lá đoót lá dong gia đình khá giả còn làm con gà, con heo có lúc còn có cả thú rừng để dâng lên cúng thần lúa, để thần phù hộ cho mùa sau được nhiều hạt hơn, bà con dân làng ai cũng khoẻ mạnh. Sau khi cúng thần lúa xong chủ hộ mời bà con dân làng, hàng xóm đến cùng nhau ăn tết vui vẻ.


Chuyện cúng tết giã rạ của người Kor Tây Trà tuy mộc mạc, nhưng trong đó hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự đoàn kết của bà con, như nguồn suối mát tăng thêm sức mạnh cho bà con sau những vụ mùa mệt nhọc.

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT