Đặc sản mắm cá lóc An Giang
Mắm cá lóc mà nấu nước lèo, chỉ cần ngửi thôi, đã thấy mùi thơm hấp dẫn vô cùng. Thực tế, không rõ giá trị dinh dưỡng của cá lóc ra sao, nhưng nhiều người nhỏ to tâm sự và thưởng thức qua tô bún thơm ngon được chế biến từ mắm cá lóc và cốc rượu chân tình của người dân An Giang, mới thấy nhiều niềm vui, vì thế mà tiền nhân có câu “miếng ngon nhớ lâu”.
Mắm cá lóc ăn với bún chỉ có no mới buông đũa, chớ không biết chán. Thật vậy, một hương vị đậm đà kỳ lạ của mắm cá lóc có sức hấp dẫn cực kỳ.
Mắm cá lóc có nhiều cách ăn, nhưng ngon nhất vẫn là bún mắm và lẩu mắm.
Bún mắm: Tùy theo số người nhiều ít, bỏ mắm vô nồi, đổ nước nấu sôi, cho mắm rã hết thịt ra, lược xương bỏ đi. Bì, thịt heo ba rọi luộc chính, thái nhỏ, trộn với thính, tép đất luộc vừa chín tới, lột vỏ bỏ đầu. Các loại rau: bắp chuối, rau muống bào mỏng, giá, rau thơm, hẹ cắt khúc, tỏi phi mỡ, chanh, ớt, nước mắm ngon, giấm, bột ngọt cho vào tô trộn đều với bún, bì, thịt heo, nặn một chút chanh, chan nước lèo nhiều ít tùy thích, vừa ăn vừa thổi nóng càng ngon, đậm đà hương vị.
Lẩu mắm: Cũng tùy số người nhiều ít mà thực hiện. Vẫn cho mắm vô nồi, đổ nước đun sôi mắm rã thịt, lược xương bỏ đi, múc nước lèo đổ vào lẩu, than trong lẩu quạt cho đỏ rực, nước lèo sôi sùng sục, cá kèo còn tươi rửa sạch, cắt khúc, thịt ba rọi để sống thái mỏng từng miếng, thả vào lẩu. Khi ăn lẩu mắm phải có nhiều rau, càng ngon: rau nhút, rau ngò, rau tần ô, đậu bắp, cải xanh, cà tía dài… cùng nhiều loại rau thơm mới hấp dẫn.