Một số món bánh rất riêng trong ngày Tết ở Tuyên Quang
Bánh khảo
Bánh khảo là món bánh truyền thống của đồng bào Tày trong dịp Tết Nguyên đán. Bánh khảo làm rất công phu, nên trước Tết khoảng nửa tháng, chị em trong các gia đình người Tày lại cùng nhau làm bánh.
Gạo chọn làm bánh khảo phải là loại gạo nếp ngon, được sàng sảy hết tấm và vo sạch. Để bánh khảo có được độ mềm, mỡ phải được pha với chút nước rồi đun sôi, sau đó đổ gạo vào rang cho thơm, vàng là được. Gạo được rang chín, nghiền thành bột, lót lá chuối ủ từ 3 đến 5 ngày hoặc có thể đến 7 ngày, 15 ngày. Để càng lâu, bột càng tơi xốp, bánh sẽ ngon hơn. Bột sau khi ủ được trộn với đường kính, 1 kg bột tương ứng với 1 kg đường. Đường có thể giã nhỏ, mịn hoặc đun sôi với chút nước để nguội rồi trộn với bột, vò cho đến khi bột có độ mềm và bông. Cuối cùng, cho bột vào khuôn hình chữ nhật dài chừng hơn chục phân, có độ dày 4 - 5 cm ép chặt, được gói vào giấy xanh, đỏ, tím, vàng cho đẹp mắt. Bánh khảo đạt yêu cầu là khi ăn có vị ngọt, béo, bánh không bị vỡ.
Bánh mật
So với bánh khảo của dân tộc Tày thì bánh mật của dân tộc Cao Lan làm đơn giản hơn rất nhiều. Gạo nếp vo sạch, ngâm rồi xay thành bột. Cứ 2 kg bột trộn với 1 kg mật mía, nhào đều (để có được mật mía ngon, chất lượng, trước đây, hầu hết gia đình người dân tộc Cao Lan nào cũng trồng mía để ép và nấu mật mía). Bột và mật trộn đều xong, được chia thành từng quả nhỏ, cho nhân gồm đỗ xanh nấu chín trộn chút đường, mỡ, dừa nạo... vào từng quả, gói với lá chuối sau đó đem luộc chín.
Trước kia, người dân tộc Cao Lan chỉ làm bánh mật để thắp hương. Ngày nay, còn rất nhiều gia đình giữ được nét văn hóa đó, nhưng có gia đình lại làm bánh gai thay cho bánh mật. Bánh được thắp hương một phần, phần còn lại để mời khách và làm quà biếu cho người thân, trẻ nhỏ.
Bánh nẳng
Cũng như bánh chưng, bánh nẳng là món bánh không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của đồng bào Dao. Loại bánh này tuy được nhiều dân tộc khác làm vào các dịp lễ, tết khác trong năm nhưng đối với người Dao, bánh nẳng thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Nguyên liệu làm bánh nẳng là gạo nếp được ngâm với nước tro. Bánh nẳng ngon hay không phụ thuộc chủ yếu vào tro. Các loại cây như cây bưởi, cây mận, cây nhớt... và một số loại cây khác trên rừng được bà con tìm về, đốt cho đến khi thành tro. Để có một bát loa tro phải mất khá nhiều củi và chỉ có thể làm được 3 kg gạo. Tro ngâm với nước, sau đó chắt lấy nước trong. Đun sôi nước này, rồi để nước âm ấm thì đổ vào ngâm với gạo nếp vài tiếng đồng hồ trước khi đem gói.
Lá măng mai, lá dong hay lá chít đều có thể dùng gói bánh. Nhưng lá chít gói bánh nẳng là ngon nhất. Bánh gói xong, đem luộc càng lâu càng tốt, ít nhất 5 tiếng đồng hồ. Bánh nẳng có màu vàng như mật, có vị đậm, mát, khi ăn chấm với mật mía hoặc đường.