Một số phong tục tết của dân tộc Mường Tây Bắc
Bánh Chưng ngày tết
Dù giàu hay nghèo, người Mường vùng Tây Bắc không thể thiếu bánh chưng trên bàn thờ. Có điều bánh chưng nhỏ, dài độ gang tay gọi là bánh chưng ống chỉ 1 và 2 lạng gạo. Tuy bánh nhỏ nhưng số lượng khá nhiều, nhà nghèo ít cũng trên dưới 200 chiếc, nhà khá giả gói đến cả ngàn chiếc. Vì thế phong tục người Mường có lệ bản, ngày gói bánh trước ngày tết của gia đình mình từ 2 đến 3 ngày. Người trong bản, trong họ hẹn lịch nhau, tập trung gói hết từ nhà này đến nhà khác.
Ngày gói bánh tết là ngày hội bận rộn nhưng rất vui của chị em, kể cả những chàng rể, cô dâu tương lai đều có mặt, là nơi hội tụ trai, gái đến tuổi cập kê, họ Đang (hát).
Bánh tết của anh
Tuổi xuân của em
Hẹn ngày đôi ta
Bánh chưng còn là quà của chủ nhà phát vốn cho nhiều người, nhất là trẻ em đến chúc tết không phát vốn bằng tiền) nếu là người già và bề trên trong hệ còn kèm theo gói thịt băm.
Món cá chua.
Ngày xửa ngày xưa, người Mường bấm đốt ngón tay để xem ngày, chuẩn bị các món ăn cho ngày tết thật chu đáo, trong đó nhất thiết nhà nào cũng phải có món cá ướp chua.
Để có một “Pe cá Tua”- hũ cá chua không phải dễ. Con trai đi quăng chài vào đêm, đem cá về mổ bụng moi ruột, cắt khúc nhỏ bằng hai ngón tay, bỏ đầu đuôi, ướp muối, đem xôi, sau đó thêm một ít cơm nguội, ít men rượu, trộn đều rồi cho vào hũ, được 15 ngày thì bỏ thính vào.
Cá ướp chua để từ 3 đến 6 tháng, bày lên mâm ăn ngay. Cá ướp chua gói vào lá thầu dầu (bánh tẻ) rồi nướng. Cá ướp chua nấu canh có thêm gia vị: Lá sả, gừng, ớt, mắc khén. Cá ướp chua làm bánh và đồ cơm (vung chảo xôi bằng gỗ).
Người Mường có câu: “ăn một miếng cá chua, sáng mắt cả năm” mùi thơm của cá chua nướng, hơi bốc lên của chõ xôi bánh khêu gợi mời gọi mọi nhà đón xuân về.
Ăn chay
Đêm 29 và 30 tháng chạp, nhà nhà đều thắp hương, sắm mâm rau, quả, rượu, trầu cau, không có thịt cá, gọi là ăn chay để đón “ma nhà” và tổ tiên về ăn tết. Do đó, gọi bữa “tiệc” đêm 29 và 30 tháng chạp là ngày ăn chay.
Uống rượu khi hát
Hát dân ca (Đang) là độc đáo nhất của dân tộc Mường, trong mâm cỗ ngày tết không thể thiếu. Nhưng bây giờ không phải ai cũng biết Đang như ngày xưa, cho nên cải biến bằng cái lệ. Chủ mâm xướng ra một đôi chén rượu, đôi chén ấy đặt trước ai người ấy phải Đang, nếu không biết thì hát bất kỳ bài gì mà mình biết. Khối anh cán bộ người Kinh phải hát cả bài kết đoàn là vì thế.