Câu Lậu Sơn - vùng đất địa linh đầy tiềm năng du lịch
Du khách đến vùng này số đông chỉ để thăm chùa, ngắm phật, để thử một lần xem nhà thơ Huy Cận tả cảnh và tả tình hay đến mức nào về những pho tượng La Hán. Trong số du khách đến đây còn có những người muốn tìm hiểu điều bí ẩn, những huyền thoại đang bị phủ một lớp bụi thời gian.
Địa thế đồi núi có sông Tích chảy qua, bao kín phía Tây tạo thành một vùng sơn thủy hữu tình, một địa thế quân sự hiếm có đã lọt vào mắt của các nhà quân sự. Nơi đây đã có biết bao người con của quê hương Cần Kiệm không quản hy sinh đứng lên giữ gìn bờ cõi, chống lại giặc giã để bảo vệ quê hương. Sự tích còn ghi người trai làng Phú Đa, Cần Kiệm đã chống giặc cướp đến hy sinh cả thân mình nơi kẽm núi để bảo vệ làng quê. Bởi thế đã để lại cho đời đôi câu đối ca ngợi.
“Dũng mãnh hướng tiền, nhất phiến hồng tâm lưu Tích thủy
Phương danh lưu hậu, thiên thu nghĩa khí động Lôi sơn”
(Tạm dịch: Dũng cảm tiến lên phía trước, một tấm lòng son còn tồn tại trong nước sông Tích. Tên tuổi còn mãi, nghìn năm nghĩa khí rung động đến núi Lôi Âm).
Những kỷ nguyên dân tộc ta còn chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, sự tích còn ghi chuyện một Tiết độ sứ nhà Đường, mò đến vùng này, biết được dãy Câu Lậu Sơn đầu linh khí, đã cưỡi voi về kinh lý, đến trước con suối chảy qua ngọn núi Tây Phương, voi phủ phục mà không dám vượt qua. Tiết độ sứ đã leo lên những quả núi này, nhận thấy đây quả là một vùng địa linh và ông ta đã sai đào 9 cái giếng để cắt đứt long mạch rồi báo về cho vua Đường là vùng địa linh của nước Nam thần đã yểm đi rồi. Ngày nay 9 cái giếng nước vẫn trong xanh quanh quả núi.
Vùng địa linh ấy làm sao yểm được khi nhân kiệt ở khắp nơi đã nổi lên đánh đuổi quân Nam Hán giành lại giang sơn.
Đến đời Hậu Lê - Mạc Đăng Dung, cuộc chiến tranh Trịnh Mạc kéo dài. Nguyễn Kính là một tướng tài đã đứng ra xây dựng lực lượng trấn ải phía Tây, được vua Lê phong là Tây Quận Công. Khi Mạc Đăng Dung lên thay nhà Lê, Mạc Đăng Dung đã mời Nguyễn Kính về giúp sức để chống lại nhà Trịnh, ông được phong đến chức Thái úy Tây Kỳ Vương, được cấp đất lập phủ ở Phú Đa và khi mất được phong tước Thượng Trụ Quốc và được nhân dân làng Phú Đa tôn làm Thành hoàng để ngày ngày tưởng nhớ công lao của ông. Ngôi đình Phú Đa được xếp hạng là Di tích văn hóa, ghi lại sự tích đó.
Ngày nay núi Câu - sông Tích vẫn còn đó, dân cư ở đây đã khai phá và xây dựng cuộc sống từ ngàn năm nay, tuy núi sông có biến đổi, dân tình có phát triển, đời sống có đổi mới thì vùng địa linh ấy vẫn không mất đi những giá trị vật chất mang đầy huyền thoại. Chả thế sinh thời nhà Bác học Lê Quý Đôn đã về đây dạy học và đã tặng cho đình làng Phú Đa đôi câu đối ca ngợi vẻ đẹp của vùng này.
“Phúc-Lý vĩnh ngưng Câu Lậu tú/Thư hương tràng dẫn Tích giang lưu”
Tạm dịch:
“Phúc của làng đọng mãi nơi núi Câu/Hương của sách vẫn trải dài theo dòng Tích”
Núi Tây Phương vẫn tọa lạc, ngôi chùa cổ nổi tiếng trong và ngoài nước với hàng trăm pho tượng đẹp mê hồn. Một di tích Quốc gia được xếp hạng đặc biệt, đã in dấu chân Bác Hồ về thăm năm 1959.
Núi Lôi Âm vẫn nghi ngút hương khói từ Lôi Âm tự với những tấm bia cổ đang đặt ra cho các nhà Sử trả lời có phải nơi đây sinh ra Phục Hy Hoàng đế như giả thuyết của một số nhà nghiên cứu?
Núi Miễu đầu rồng với hàng trăm ngôi mộ, ai cũng muốn đem “mả táng hàm rồng” để phát sinh bao quận công, tiến sĩ.
Núi Lài Cài không cao nhưng ẩn trong đó một địa danh rực rỡ màu sơn - nơi Hồ Chủ tịch về ở và làm việc năm 1947. Ngày nay, đường đã mở rộng rải bê tông từ kẽm núi về Nhà lưu niệm Bác Hồ để khách thập phương đến thắp hương tưởng niệm Bác - Người Cha già dân tộc.
Núi Đông Thượng vẫn giữ trên ngôi đình cổ làm từ thời Lê Thánh Tông, vững bền cùng khóm đa cổ thụ nhìn ra sông Tích, hướng đến xa xa dãy núi Ba Vì - Một di tích Quốc gia đã được xếp hạng.
Còn núi Sọ vàng, trung tâm của xã, khúc giữa của con rồng Câu Lậu, bây giờ đã thành phố núi, có đường nhựa chạy từ kẽm núi vào đến trung tâm xã và kéo dài đến khu công nghệ cao Hòa Lạc với những ngôi nhà tầng cao, tầng thấp, điện lưới, điện thoại với đủ các cửa hàng tạp hóa, các xưởng sản xuất đồ sắt, đồ gỗ, xứng đáng là bộ mặt của một làng quê đang đổi mới.
Ngày nay, khi khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển cùng với nhu cầu của khách thủ đô dành những ngày nghỉ cuối tuần để đi tham quan không chỉ chùa Tây Phương mà họ còn đi sâu vào những di tích lịch sử, những chấm son của dân tộc nơi đây, hẳn rất thỏa lòng để dành 1, 2 ngày về nơi cội nguồn giúp cho họ thư thái và vốn hiểu biết thêm phong phú.