Non nước Việt Nam

Đền Hồng Sơn - Một công trình kiến trúc cổ kính của Nghệ An

Cập nhật: 01/07/2008 11:07:09
Số lần đọc: 2230
Đền tọa lạc trên một khu đất cao ráo ngoảnh mặt ra sông cửa Tiền, cạnh ngõ phía Tây của ngôi chợ tỉnh. Vì có khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, trồng nhiều loại hoa tươi cây cảnh, có sân cỏ và hồ bán nguyệt nên tuy ở sát đường, gần chợ mà đền vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch với bầu không khí trong lành.

Sách An Tĩnh xưa nói đền này được lập từ hồi Minh Mệnh thứ 18, là năm Kỷ Hợi (1839) nhưng theo ký ức của dân gian thì nó ra đời khi đô thị Vinh mới được nhóm lên, tức thời vua Quang Trung (1788- 1792). Nếu vậy thì đền đã có trên hai trăm mười năm tồn tại.

Ban đầu đền thờ vị tướng võ là Quan Vân Trường nên có tên miếu Quan Công hay Võ Miếu. Một thời, bên kia con đường phía Đông lại có đền nhà Bà nên Võ Miếu cũng được gọi là đến Nhà Ông. Sau này vì đền Nhà Ông thuộc đất phường Hồng Sơn nên nó có tên gọi như bây giờ.

Nay nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và sức đóng góp của thiện nam, tín nữ gần xa, đền Hồng Sơn đã có quang cảnh mới khá sầm uất và tráng lệ với 19 công trình gồm cả bảo tồn và xây dựng mới, trông hòa hợp nguy nga. Trong đó tam quan, tạc môn, tháp, gác trống, gác chiêng và các tòa trung điện, thượng điện dã có từ thời Nguyễn. Còn những phần khác như hạ điện, các lối hữu vu, tả vu, tả hiền, hữu hiền, sân giữa, bờ tường bao quanh mới được xây dựng sau này. Cách bố trí các công trình kiến trúc ở đây tuân thủ theo sự đăng đối từng cặp một và được nâng dần lên từ ngoài vào trong. Tòa nhà cao nhất là thượng điện, tạo cho đền một quần thể kiến trúc vững chãi, tâm nghiêm.

Hạ điện rộng 274m2. Tuy mới được trùng tu năm 1998 nhưng nó đã lấy lại được phong cách kiến trúc của thời xưa. Trong đó, đặt các hương án bày khám thờ sơn son thiếp vàng, đính các câu đối, các bức đại tự cùng trống, chiêng, gươm, giáo bằng gỗ, là nơi thờ Thánh Mẫu, Tứ Phủ Diệu Linh cùng Quan Hoàng Mười. Sân trước Hạ điện cũng dành khoảng không gian cho việc hành lễ, tế lễ trong những ngày lễ trọng.

Trung điện rộng 65m2, là nơi tập trung những đặc sắc nghệ thuật về kiến trúc, các rường bẫy uốn cong có xoi lồng những búp sen cùng chim, cá sống động. Các giao điểm giữa cột và xà bẫy có chạm trổ tứ linh xen với các cành lá, hoa trái trông khá hài hòa. Đồ thờ và các bức câu đối đại tự cũng được chọn lọc, trần thiết trựng bày kỹ lưỡng hơn. Trung điện là nơi thờ tự Đức Tháng Trần, cùng gia quyến và Tướng lĩnh như: Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Thị Dung, Đệ nhị Vương Cô( con gái Đức thánh Trần)….

Thượng điện rộng102m2, mái cao xếp 4 tầng, các góc đều uốn cong và đắp những rồng, phượng. Ở đây, trên cao đặt tượng Ngọc hoàng Thượng Đế, Nam Tào Bắc đẩu. Vị trí thờ tự chính ở đây là Quan Thánh Đế Quân – vị thần chủ của Đền.

Hiện nay tại đền Hồng Sơn, bên trong các miếu điện là công trình kiến trúc cổ kính, mỹ lệ, còn lưu giữ được 383 hiện vật với chất liệu quý gồm nhiều loại hình phong phú, có giá trị nghệ thuật cao, là nơi hội tụ những văn hóa tế khí hiếm có ở tỉnh Nghệ An.

Từ xưa, cùng với các bà, các chị đến thắp hương, cầu phúc, từng đôi trai gái dạo bước bên nhau thủ thỉ tự tình, đền Nhà Ông còn là nơi để các tao nhân, mặc khách gặp gỡ nhóm họp, bình văn họa thơ, suy nghĩ về nhân tâm, thế cố và định liệu cho công việc của ngày mai.

Cùng với Thành cổ, Lâm viên Dũng Quyết, Quảng trường Hồ Chí Minh...đền Hồng Sơn cổ kính đã góp phần tạo cho thành phố Vinh một quần thể di tích danh thắng đáp ứng yêu cầu tham quan, khảo cứu của nhân dân trong tỉnh, trong nước và mời đón khách du lịch đến từ muôn phương.

Nguồn: website Vinhcity

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT