Hành trang lữ khách

Quy Nhơn: Cái nhìn đầu tiên, tình yêu phố biển

Cập nhật: 30/06/2008 10:06:18
Số lần đọc: 2214
Ghé Quy Nhơn (Bình Định) vào một chiều nắng gắt, điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Ghềnh Ráng. Đứng trên đỉnh cao nhìn về phía biển, xa lắm là Cù lao Xanh ẩn hiện trong trập trùng sóng gió. Nhớ câu nói của Chế Lan Viên ngày nào: “Mộ Hàn Mặc Tử nằm trên đỉnh cao Ghềnh Ráng, biển sáng chói như thơ anh và giông tố tựa đời anh”, giờ mới cảm nhận hết được cái triết lý sâu xa đó...

Đến Quy Nhơn, chúng tôi bị hút hồn bởi vẻ đẹp của biển! Biển vẫy gọi, chúng tôi tung tăng đặt chân trần lên những viên đá nhẵn nhụi chất thành bãi mà người dân nơi đây gọi là bãi Trứng, nằm dưới đồi Thi Nhân. Phía trước bãi là những phiến đá cao, đứng che chở sóng gió tạo nên vùng nước lặng. Nghe kể rằng trước năm 1945, vua Bảo Đại đến đây, trước cảnh thiên nhiên mời gọi, ông cho xây khu nhà nghỉ 3 tầng tựa như một con tàu đang lướt sóng. Bãi Trứng là nơi dành riêng cho Nam Phương Hoàng hậu tắm, nên được đặt tên là bãi tắm Hoàng Hậu. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, còn bây giờ, dù không phải là hoàng hậu, nhưng tôi vẫn có thể đắm mình trong làn nước trong mát…

 

Con đường Quy Nhơn - Sông Cầu chạy dọc theo biển nối tiếp hàng loạt khu du lịch Bãi Dài, Bãi Dại, Bãi Xếp, Bãi Bằng, Bãi Bầu ôm lấy những hàng cây, con đường, dãy phố. Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp hoang sơ của Ghềnh Ráng, biển đi vào thơ văn như một sự bất tử của tình yêu đôi lứa, chợt nhớ “Sóng” của Xuân Quỳnh “Con sóng dưới lòng sâu. Con sóng trên mặt bể. Ôi con sóng vỗ bờ. Ngày đêm không ngủ được. Lòng em nhớ đến anh. Cả trong mơ còn thức”. Một phát hiện mới làm tôi thích thú “Cuối chân trời sao và biển... hôn nhau”, đêm Quy Nhơn đẹp hơn với ánh sáng nhỏ bé kia, của sao, của đèn ngư dân đánh cá.

 

Hôm sau, ghé thăm Trường Đại học Quy Nhơn, từ trên tầng cao của ký túc xá nhìn ra xa thấy núi như là điểm tựa cho Quy Nhơn trước muôn trùng gió biển. Và gần hơn, thành phố biển hiện ra với những nét kiến trúc cổ kính chen lẫn hiện đại. Ghé chùa Long Khánh (tọa lạc tại số 141 đường Trần Cao Vân), nghe sư thầy kể về quá trình xây dựng chùa dưới thời vua Lê Dụ Tông (thế kỷ XVIII), ngắm chuông Hồng Thái (đúc năm 1805) và tấm dấu biểu trưng “Long Khánh tự” được in vào năm 1813 dưới thời vua Gia Long. Bước vào khu vườn tháp của chùa Long Sơn trên địa bàn phường Nhơn Bình, cảm giác thật thư thái bởi không khí trong lành và yên tĩnh tại đây.

 

Còn nữa, tháp Đôi nằm ở phường Đống Đa, cách trung tâm thành phố 3km. Tháp được xây dựng từ cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, người dân còn gọi là tháp Hưng Thạnh với chiều cao 18m và 20m. Nghe người bạn Quy Nhơn giải thích: Không giống như tháp Chăm nhiều tầng truyền thống, tháp Đôi có lối kiến trúc đặc biệt, đơn giản nhưng vững chãi, thân tháp vuông và phần mái cong đều bằng nhau. Lối kiến trúc độc đáo này tạo nên sự phong phú cho tổng thể kiến trúc đền tháp Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước. Trong sự xô bồ của cuộc sống, trông tháp thật tĩnh tại.

 

Rời Quy Nhơn, đọng lại trong chúng tôi là cảm giác yêu mà không dám ngỏ sau “cái nhìn đầu tiên” với thành phố đáng yêu này. Tạm biệt Ghềnh Ráng, đồi Thi Nhân, tạm biệt biển chiều lộng gió, Quy Nhơn để lại trong tôi tình yêu phố biển.

Nguồn: HNM

Cùng chuyên mục