Hoạt động của ngành

Du lịch Việt Nam tự tin bước vào năm mới

Cập nhật: 09/02/2011 09:50:16
Số lần đọc: 2664
Một mùa xuân nữa đang về trên khắp mọi miền Đất nước. Nhìn lại năm 2010, những người làm việc trong lĩnh vực du lịch vui mừng đón nhận thành quả của sự chủ động, sáng tạo; vượt qua nhiều khó khăn thách thức, với sự chỉ đạo hiệu quả, kịp thời của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 28 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu nhập du lịch ước đạt 96.000 tỷ đồng; vượt xa chỉ tiêu so với kế hoạch đặt ra trong năm 2009.

Năm 2010 cũng là năm hình ảnh Du lịch Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng trong nhóm đầu bảng xếp hạng những điểm đến được ưa chuộng tại khu vực đối với khách du lịch Thái Lan, Úc, Nhật Bản và Xin-ga-po. Qua 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, từ con số hai triệu lượt khách quốc tế đến nước ta năm 2000, ngày 24 tháng 12 năm 2010, ngành Du lịch Việt Nam chính thức đón vị khách quốc tế thứ năm triệu, đánh dấu sự nỗ lực và trưởng thành vượt bậc, khẳng định hiệu quả và bước đi vững chắc của toàn Ngành trong những năm vừa qua, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Với kết quả này, ngành Du lịch đã cơ bản hoàn thành Chiến lược phát triển giai đoạn 2001 - 2010.

Thành tựu nổi bật trong những năm qua của ngành Du lịch là kết quả của sự nỗ lực của toàn Ngành, trong đó nổi bật là: Thứ nhất, nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch trong xã hội tiếp tục chuyển biến rõ rệt; du lịch được Đảng và Nhà nước khẳng định là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Từ khi sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến nay, Du lịch đã phát huy được lợi thế và các nguồn lực của Bộ đa ngành. Thứ hai, lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng. Nếu như năm 2001, Việt Nam đón được 2,3 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2010 đã đạt hơn 5 triệu. Trong giai đoạn này, thu nhập từ du lịch đã tăng khoảng 4,6 lần, từ 20,5 ngàn tỷ đồng năm 2001 lên 96 ngàn tỷ đồng vào năm 2010. Thứ ba, du lịch tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chỉ tính riêng năm 2009, đã có 31 dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống được cấp mới với số vốn đăng ký là hơn 4,979 tỷ USD, có 8 dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 3,8 tỷ USD, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 tỷ USD, chiếm khoảng 41% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2009. Thứ tư, phát triển du lịch đã góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế liên quan, đặc biệt là ngành Hàng không, xây dựng, sản xuất thủ công mỹ nghệ gắn với làng nghề,… góp phần thay đổi diện mạo hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam ở những nơi du lịch phát triển. Thứ năm, các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tiếp tục góp phần tích cực vào nỗ lực đưa hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện, an toàn và mến khách đến với bè bạn quốc tế; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết giữa Việt Nam và các dân tộc trên thế giới. Thứ sáu, phát triển du lịch ngày càng tạo nhiều cơ hội cho hàng triệu đồng bào cả nước được tìm hiểu cảnh quan thiên nhiên đất nước, các giá trị văn hoá dân tộc, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thứ bảy, đội ngũ những người làm du lịch không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, cả nước có khoảng 890 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, hơn 10.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 12.000 cơ sở lưu trú du lịch với 235.000 buồng; ngành Du lịch đã tạo ra khoảng 430 ngàn lao động trực tiếp và 1 triệu lao động gián tiếp cho xã hội, qua đó góp phần tích cực vào nỗ lực xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nơi có tiềm năng du lịch như vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long,…

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, trong những năm qua, ngành Du lịch vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Trước hết là những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về du lịch, đặc biệt là Luật Du lịch, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật chưa thực sự đi vào cuộc sống và xuất hiện một số nội dung cần được bổ sung, sửa đổi; chiến lược, quy hoạch du lịch được xây dựng và triển khai chưa thực sự có hiệu quả. Thứ hai, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn thấp, chưa có được thương hiệu du lịch quốc gia độc đáo, hạ tầng du lịch yếu và chưa đồng bộ, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, còn trùng lắp, chưa tạo dựng được thương hiệu, khả năng cạnh tranh chưa cao. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa tạo được thế đứng của mình trên trường quốc tế. Thứ ba, công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch vẫn chưa được chú trọng, đầu tư đúng mức. Thứ tư, thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp; thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành, lực lượng quản lý tinh thông và lao động trình độ cao. Thứ năm, khả năng liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp với vai trò đầu tàu của cơ quan du lịch quốc gia để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong xây dựng sản phẩm, thương hiệu và xúc tiến quảng bá còn chưa tốt.

Sau chặng đường 50 năm hình thành và phát triển, cùng với vận hội mới của dân tộc, chúng ta tự hào nhìn lại những thành tựu đã đạt được, đồng thời nhận rõ những hạn chế yếu kém cần khắc phục, xác định những khó khăn, thách thức, thời cơ và vận hội để đề ra định hướng, mục tiêu cho năm tới của Du lịch Việt Nam.

Năm 2011 - năm đầu tiên của thập kỷ mới, tình hình kinh tế thế giới chưa ổn định, những bất ổn về chính trị trong khu vực còn tiềm ẩn, cạnh tranh thu hút khách du lịch ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là thời điểm cả nước bước vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011 - 2020; ngành Du lịch triển khai Chiến lược phát triển Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chúng ta có những thuận lợi cơ bản, đó là tiếp tục phát huy đà tăng trưởng của năm 2010, phát huy nguồn lực của Bộ đa ngành, đa lĩnh vực cho sự nghiệp phát triển du lịch. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI định hướng sự phát triển cho những năm tiếp theo và Năm 2011 là Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ và Phú Yên, chắc chắn những sự kiện này sẽ là động lực quan trọng đối với phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng. Toàn Ngành sẽ quyết tâm giữ vững những thành quả đã đạt được; tập trung phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến; tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương; đẩy mạnh hoạt động tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào sự nghiệp phát triển du lịch.

Để đạt được mục tiêu năm 2011 đón từ 5,3 đến 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 30 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu nhập từ du lịch đạt 110 nghìn tỷ đồng, ước chiếm khoảng 4,6% trong GDP, ngành Du lịch xác định tập trung triển khai các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng đã đạt được trong năm 2010, hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2011; tập trung triển khai chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, tiếp tục thực hiện Chương trình kích cầu du lịch năm 2011 và tham gia các Hội chợ Du lịch Quốc tế uy tín được tổ chức thường niên: Hội chợ Travex tháng 01/2011; Hội chợ FITUR tại Tây Ban Nha tháng 01/2011; Hội chợ MITT tại Nga tháng 3/2011; Hội chợ ITB tại Đức tháng 3/2011; Hội chợ JATA - Nhật Bản tháng 9/2011; Hội chợ ITB ASIA tháng 9/2011; Hội chợ WTM - London tháng 11/2011. Xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án khai thác phát triển thị trường khách du lịch tại Pháp, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Nga và tổ chức phát động thị trường và mời các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch (FAM Trip), đoàn Báo chí (Press Trip) từ các quốc gia: Pháp, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Nga, Tây Âu, Mỹ và Bắc Mỹ; tổ chức tốt các sự kiện Năm du lịch Quốc gia năm 2011 tại Phú Yên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và các sự kiện du lịch lớn được tổ chức trong nước như Giải đua thuyền buồm Quốc tế, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - ITE 2011.

Phổ biến Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam trình Thủ tướng phê duyệt. Đề xuất và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 đã trình Chính phủ và tổ chức các Hội thảo Quốc gia về đẩy mạnh phát triển du lịch; rà soát, đánh giá 05 năm thực hiện Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn. Nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Du lịch. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và quản lý phương tiện của người nước ngoài mang vào Việt Nam trong thời gian tham quan du lịch; Thông tư về quản lý khu, tuyến, điểm du lịch; Thông tư liên tịch quy định chi tiết kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và Thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 03/2002/TT-NHNNVN về quản lý tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế.

Tiếp tục củng cố bộ máy quản lý nhà nước về du lịch và tăng cường hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành trong các lĩnh vực lữ hành, lưu trú du lịch và quảng bá, xúc tiến; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch, hoạt động của các văn phòng diện du lịch nước ngoài tại Việt Nam, từng bước đẩy mạnh chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm việc bảo vệ môi trường du lịch; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá và định hướng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

Đón xuân Tân Mão - 2011, với thế và lực mới của đất nước và thành quả của ngành Du lịch sau một thập kỷ phát triển cùng thành tựu đã đạt được năm 2010, tích cực thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, toàn Ngành phấn khởi, vững tin quyết tâm đoàn kết một lòng, vận dụng kinh nghiệm của năm qua, tập trung trí tuệ và sức lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Năm 2011, mỗi người làm du lịch hãy là người đi tiên phong, tích cực hơn nữa trong sự nghiệp tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; nâng cao ý thức văn minh nơi công cộng, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội,… để mỗi du khách nước ngoài khi đến Việt Nam đều mang ấn tượng tốt đẹp về một đất nước tuy đang phát triển nhưng tươi đẹp, an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

 

Chúc mùa Xuân mới thắng lợi mới!

 

Nguyễn Văn Tuấn

Tổng cục trưởng TCDL Việt Nam

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục