Hành trang lữ khách

Trẩy hội chợ đình Bích La (Quảng Trị) đầu xuân

Cập nhật: 11/02/2011 08:58:41
Số lần đọc: 2924
Ngày Tết được sum họp với đại gia đình, cùng chúc Tết bà con họ hàng, quyến thuộc là nét sinh hoạt truyền thống từ xưa đến nay. Tuy nhiên, những năm gần đây dần hình thành một thói quen đón Tết ở mọi miền đất nước. Mỗi nơi có thú vui và nét độc đáo riêng. Nhất là đối với những phiên chợ Tết mỗi năm chỉ mở một lần và lỡ một phiên chợ là lỡ cả một năm chờ đợi.

Chợ đình Bích La (thôn Bích La, xã Triệu Đông, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) là một trong những phiên chợ đặc biệt như thế.

"Mỗi năm họp chợ một kỳ/Bích La trẩy hội nhớ ghi lấy kỳ"

Chợ đình Bích La chỉ thực sự họp từ lúc 0 g đến tờ mờ sáng mồng 3 Tết Nguyên đán là bắt đầu tan, nhường chỗ cho lễ hội đánh thức rùa vàng cầu mùa màng tươi tốt, no ấm cả năm cho dân làng. Người đến tham gia phiên chợ để gặp gỡ đầu năm tìm về nguồn cội tổ tiên, dân tộc trong không khí lễ hội, trong tình cảm chân tình, thân thiện và cùng cầu mong cho một năm mới an lành, thành đạt.

Vì thế, hàng ngàn người từ khắp mọi miền Nam Bắc đổ về phiên chợ quê này gọi nó là "chợ may mắn". Một nguyên tắc "bất thành văn" giống như chợ Viềng (tỉnh Nam Định) là người mua không trả giá. Vì là mua may mắn nên "nói bao nhiêu đưa bấy nhiêu". Người bán cũng không tự ý nâng giá mà chính họ cũng coi đó là việc đi bán may mắn để lấy hên cho cả năm.

Những người lớn tuổi trong làng cho biết, phiên chợ này đã có mặt từ năm 1526, tính đến nay đã có gần năm trăm năm lịch sử. Cụ Lê Văn San, Trưởng làng Bích La Đông, kể rằng: "Đình Bích La được dựng lên trên một thế đất linh khí. Trước đình có hồ nước trong xanh, dân làng lấy nước uống rất tốt. Tương truyền rằng nơi đây xưa có một con rùa vàng sinh sống, hằng năm nổi lên vờn quanh hồ.

Đó cũng chính là điềm báo tốt, trời cho mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn phát đạt. Bỗng một năm, hồ nước trước đình làng trở màu đục, rùa vàng không xuất hiện, dân làng lo sợ sẽ gặp điềm xấu. Quả nhiên năm đó, mùa màng thất bát, thiên tai hoành hành, lụt to, bão lớn.

Sau lần đó, dân làng tập hợp nhau lại, tổ chức mở hội lớn, đánh trống gõ mõ để đánh thức rùa dậy. Và quả thực, rùa vàng dưới hồ nổi lên, năm đó, lại được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Cũng từ đó, chợ đình Bích La ra đời và cứ đúng 3 giờ sáng ngày mồng 3 Tết, chợ được tổ chức".

Vì sao phiên chợ Tết ở quê lại thu hút hàng ngàn người đến vậy? Nhiều người cho rằng nét đặc trưng của phiên chợ này được hòa quyện xen lẫn giữa Lễ - Hội - Chợ. Tại lễ hội còn có các trò chơi phong phú và đa dạng như thi đánh cờ tướng, thi đánh cờ vua, thi viết chữ đẹp, thi viết thư pháp, cho chữ đầu xuân…

Đây chính là lễ hội nông nghiệp mang một ý nghĩa tâm linh, một nét sinh hoạt văn hóa dân gian tốt đẹp, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.Và người ta tìm đến Bích La còn tìm về một vùng đất giàu văn hóa với những giá trị tâm linh độc đáo.

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục