Hành trang lữ khách

Lễ hội vùng châu thổ sông Hồng

Cập nhật: 10/02/2011 14:02:52
Số lần đọc: 2208
Mùa xuân, tiết trời mát mẻ, cũng là lúc khắp nơi vào mùa lễ hội. Thống kê cho thấy, cả nước có trên 500 lễ hội cổ truyền lớn nhỏ, mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng thường là hướng tới một đối tượng linh thiêng, anh hùng chống ngoại xâm, người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế...

Châu thổ sông Hồng - chiếc nôi của nền văn minh lúa nước, cũng là nơi có rất nhiều lễ hội, làng nào cũng có lễ hội của riêng mình và nhiều lễ hội đã vượt khỏi lũy tre làng thành lễ hội của vùng, của cả nước.

  

Từ đêm xuân giã bạn đến lễ hội làng Ó

 

Hội Lim, với tục hát quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cái câu “đến hẹn lại lên” là nói về Hội Lim. Vào hội, một không gian trải rộng khắp thị trấn Lim và 2 xã Liên Bão, Nội Duệ đâu cũng vang vang những làn điệu, lời ca. Đến với Hội Lim, người ta không chỉ được nghe hát quan họ, mà được đắm mình vào không gian văn hóa xưa, như đánh cờ người, múa lân, đu quay, đánh vật, đập niêu, chọi gà, kéo co, thi dệt vải...


Tuy thế, hay nhất vẫn là chứng kiến những màn đối đáp, giao duyên giữa những liền anh liền chị. Ngày xưa, các cụ đặt ra lệ các nhóm quan họ giao duyên nhưng không bao giờ kết duyên vợ chồng, để năm sau còn được đi hát nữa mà không làm tổn thương đến gia đình người khác. Bây giờ, hát giao duyên trên đồi, trên thuyền, trên sân khấu là chính, nhưng trong tâm trí nhiều người vẫn da diết nhớ lối hát canh tại nhà trong các làng quan họ Lũng Giang, Lũng Sơn và Duệ Đông.

 

Tại đó, không gian và không khí đậm tính cổ truyền có sức quyến rũ kỳ lạ. Người ta được nghe chính các nghệ nhân, những người nông dân một nắng hai sương trên ruộng đồng hát một cách mộc mạc, tạo ra sự xúc động thật mãnh liệt. Một khúc mời trầu, rồi hát gọi đò đến điệu con sáo sang sông, con nhện giăng mùng, rồi giã bạn… nghe sao mà da diết.


Ở Bắc Ninh còn có một hội rất đặc biệt, tên gọi nôm là “hội Chen” - chen nhau. Hội này thuộc làng Ngà (tên chữ là làng Nga Hoàng) thuộc huyện Quế Võ. Trong hội có đám rước nữ thần Linh Sơn.

 

Khi lễ hội đang tiến hành, ai đó bỗng hô lên, tức thì tất cả nhốn nháo vào cuộc chen vai thích cánh một cách rất náo nhiệt. Cánh đàn ông chen nhau đến chỗ phụ nữ, họ xô vai, hất chân nhau, trộn lẫn vào nhau. Tương truyền, hội Chen là để tạo ra sự âm dương hòa hợp, người người hoan hỉ, cầu cho mưa thuận gió hòa, làng xóm tươi vui. Thường thì hội làng Ngà diễn ra 3 lần chen cả thảy, cả 3 lần đều vui vẻ, để lại những kỷ niệm nho nhỏ đáng yêu trong mỗi người dự hội.

Cũng ở đất Kinh Bắc, hội làng Ó - gắn liền với buổi đêm đi chợ âm dương, lại rất đặc sắc. Ở xã Võ Cường, người dân vẫn truyền tụng giai thoại mảnh đất nơi vẫn họp chợ âm dương vốn là bãi chiến trường. Sau chiến trận, gia đình của những người chết đến đây sắm sửa tế lễ, cúng bái để chiêu hồn, cầu phúc...

 

Phiên chợ này là cơ hội duy nhất trong năm cho người sống và người chết gặp nhau. Chợ bắt đầu họp vào lúc sẩm tối, bên ngôi miếu có gốc cây đa cổ thụ ở rìa làng Ó. Chợ không có lều quán, cũng không sử dụng đèn, nến hay bất kỳ thứ ánh sáng nào. Người đi chợ ngậm tăm không nói không cười vì theo phong tục là sợ hồn ma tan mất. Đó là đêm mùng 4 tháng Giêng- phiên chợ Ó duy nhất trong năm. Sáng ra, khi gà cất tiếng gáy, chợ âm dương tan, bắt đầu vào hội làng.

 

Hội trận thượng võ và hòa hiếu

 

Năm qua, cùng với Hoàng thành Thăng Long và 82 bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử giám, lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại.

 

Hội trận mô phỏng chiến công vĩ đại của Thánh Gióng khi ngài đánh cho quân giặc tơi tả. Bên ta có 80 người mặc tướng phục, chân quấn xà cạp. Còn bên địch có 28 nữ tướng (tuổi từ 9 đến 12 đóng). Điều đặc biệt nhất trong hội trận này chính là đoạn kết của nó: sau khi đức Thánh Gióng chiến thắng, quân thù thảm bại, người ta lau rửa khí giới, báo cáo với trời đất, rồi tổ chức lễ khao quân.

 

Lúc này cả quân ta lẫn quân địch, cả người thắng lẫn người thua đều cùng ngồi bên nhau “thụ lộc Thánh” một cách vui vẻ. Đó chính là tinh thần nhân đạo, đức hòa hiếu cao cả của người Việt Nam ta. Là hội trận nhưng lại đề cao tư tưởng hòa bình, hòa hiếu - sự đặc sắc rất ít tìm thấy ở bất cứ quốc gia nào.


Tương tự hội trận tưởng nhớ Thánh Gióng, một lễ hội khác cũng đẫm tinh thần thượng võ là hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Hội vốn chỉ thuộc về 3 làng là Đồ Sơn, Đồ Hải và Ngọc Xuyên - nay đã thành phường thuộc quận Đồ Sơn.


Để có một con trâu chọi, việc chăm sóc rất công phu. Người ta phải nhốt riêng trâu ở một nơi vắng vẻ trong vòng 4 tháng, không cho phụ nữ lai vãng lại gần. Những con trâu này thực sự là những con trâu mộng, có con nặng cả tấn, da căng bóng trông vô cùng dũng mãnh, lì lợm.

 

Khi hai con trâu lao vào húc nhau, giống như hai khối núi đá đập mạnh vào nhau, tạo ra một tiếng vang khô khốc đầy chết chóc. Sau cú lao khủng khiếp ấy, cả hai con đều đứng im tại chỗ bởi bị choáng óc. Người Đồ Sơn mua trâu chọi từ nhiều nguồn, nhưng nhiều nhất là từ Thanh Hóa, Lào và Myanmar.

 

Để có một con trâu chọi tốt, phải mất không dưới 200 triệu đồng. Lạ nhất là trâu chọi xong, bất kể thắng thua cũng đều bị xẻ thịt. Giá một cân thịt trâu (con nào càng vào sâu trong giải giá thịt càng cao) chọi Đồ Sơn rất đắt. Năm ngoái, giá 1 cân thịt của con trâu giải nhất là 5 triệu đồng. Thế nhưng người ta vẫn chen nhau mua.

 

Hội xuân tình cầu cho nòi giống sinh sôi

 

Cuối cùng, xin được nói chút ít về lễ hội Trò Trám (ở Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) - được coi là lễ hội xuân tình bậc nhất. Nếu hội Chen đã có yếu tố xuân tình thì hội Trò Trám còn “nặng đô” hơn nhiều. Trong 3 ngày từ 10 đến 12 tháng Giêng là lễ hội.

 

Sau các nghi lễ, đến phần hấp dẫn nhất là lễ mật cầu cho nòi giống sinh sôi, tiến hành vào nửa đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 tại miếu Trò. Sau mỗi câu khẩu lệnh: “Linh tinh tình phộc”, đôi nam nữ lại cầm “nõ, nường” làm các thao tác hoạt động tính giao. Mỗi lần hai vật âm dương chạm nhau, chiêng trống lại nổi lên, dân làng đứng xung quanh miếu lại reo hò hết sức vui vẻ.

 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Hội Trám có lẽ là lễ hội duy nhất mang đậm màu sắc phồn thực, đề cao tính dục của người dân đồng bằng Bắc bộ, nơi vốn mang đậm tín ngưỡng của nền văn hóa lúa nước, với những lễ đầu xuân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Hội được khôi phục từ năm 1993 và kể từ đó năm nào người tứ xứ đến xem cũng đông như… hội.

Nguồn: SGGP

Cùng chuyên mục