Phiêu du sóng nước Cấm Sơn
Đó là những lời ca trong bài hát Hồ trên núi" nghe rất thân quen, gần gũi với nhiều người của nhạc sĩ Phó Đức Phương được sáng tác vào năm 1971, nhưng có mấy ai biết rằng bài hát lại được lấy cảm hứng và ra đời trong một chuyến đi thực tế của nhạc sĩ tại hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn.
Từ thị trấn Chũ ngược theo đường 297 qua đèo Váng đến Tân Sơn đi khoảng 5km, con đường đất đỏ lô nhô đá sỏi bụi mù với những khúc cua tay áo liên tiếp, men theo những bản làng người Nùng, người Sán Chí, người Dao...với những ngôi nhà đất nâu óng lên màu thời gian sẽ đưa bạn đến hồ Cấm Sơn. Từ xa, khi chưa nhìn thấy mặt hồ bạn đã có thể cảm nhận sự dịu mát, nhẹ nhàng của hơi nước bốc lên xen lẫn mùi nhựa cây rừng phảng phất đâu đó thật dễ chịu.
Xuất phát dòng chảy từ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đến Lục Ngạn thì bị chặn lại, dòng Cấm Sơn nằm trên địa phận thuộc 4 xã: Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Tân Sơn của huyện Lục Ngạn. Với diện tích khoảng 2.650 ha, và có chiều dài nhất khoảng 25km, bề ngang nơi rộng nhất khoảng 7km, hồ Cấm Sơn được xem như chiếc điều hoà không khí khổng lồ cho miền sơn cước Lục Ngạn, nhờ có hồ nước rộng lớn này mà khí hậu trong vùng quanh năm ôn hoà, dịu mát, không chỉ vậy hồ Cấm Sơn còn là nơi cung cấp nguồn nước tưới chính cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.
Anh Hoàng Văn Viên người đã có nhiều năm gắn bó, đánh cá tôm để mưu sinh trên mặt hồ Cấm Sơn, am hiểu tận tường từng ngõ ngách trên núi, dưới hồ, những câu chuyện dân gian ly kỳ của đồng bào dân tộc nơi đây đã dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh hồ. Anh cho biết: Năm nay do ít mưa lũ nên nước trong lòng hồ cũng ít hơn nhiều so với những năm trước nhưng không vì thế mà mất đi vẻ đẹp lặng lẽ mênh mang và bao la của núi rừng, mây nước Cấm Sơn. Theo lời anh Viên thì hồ Cấm Sơn này chứa nhiều câu chuyện phảng phất sắc màu huyền thoại, những chuyện ly kỳ được truyền tụng trong nhân dân, đây núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, kia vẩy Rồng, núi Kỉn, làng Mấn, đảo Lăn Lóc...mỗi địa danh gắn với một huyền thoại riêng về vùng đất, con người nơi đây.
Thời gian thích hợp nhất để chiêm ngưỡng cảnh sắc, không gian mặt hồ Cấm Sơn là độ sớm mai và lúc buổi chiều tà, đó là khoảng thời gian tĩnh lặng, mặt hồ trong xanh in bóng núi rừng và hoa cỏ. Cảnh vật Cấm Sơn thanh vắng, mặt hồ gợn sóng lấp lánh trong nắng sớm, đâu đó thấp thoáng những chiếc thuyền nan khua nhẹ mái chèo ngược dòng nặng đầy tôm cá, những con thuyền vắng khách đứng lặng lẽ ven bờ như đợi chờ ai nghe mênh mang một nỗi càng thêm cuốn hồn lữ khách.
Đến Cấm Sơn bạn đừng quên làm một chuyến dạo thuyền độc mộc hay thuyền máy quanh hồ để cảm nhận cảm giác lênh đênh trên mặt hồ, rong ruổi với sóng nước trong xanh, hiền hoà ... như thế mới thấy hết cái đẹp cái lãng mạn và sự rộng lớn, mênh mang của miền đất sơn thuỷ hữu tình. Cũng bởi sự hoang sơ, vắng vẻ, bình dị và tĩnh lặng của miền sơn cước nên Cấm Sơn ngày càng có nhiều khách du lịch Việt và cả khách nước ngoài tìm đến trải nghiệm và thưởng ngoạn theo kiểu "bụi".
Khu du lịch Cấm Sơn đã và đang nhận được quan tâm đầu tư lớn, hy vọng trong tương lai không xa đây sẽ là một trong những địa chỉ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn, thu hút được đông đảo du khách gần xa đến thăm quan, đặc biệt là khách thích đi du lịch sinh thái, như: bơi thuyền câu cá, đi bộ, nghỉ dưỡng cuối tuần…