Ðầu tư Du lịch

Mở rộng khu danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh

Cập nhật: 31/03/2011 10:30:57
Số lần đọc: 5810
Tỉnh Quảng Ninh đang hoàn thiện thủ tục trình Chính phủ phê duyệt đề án “Mở rộng và phát triển Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử”.

Với đề án này, khu di tích và danh thắng Yên Tử sẽ không chỉ giới hạn trong địa phận thành phố Uông Bí, mà được mở rộng sang các di tích liên quan đến thiền phái Trúc Lâm ở huyện Đông Triều. Tuy nhiên, với những di tích mới có kết luận khảo cổ ở huyện Đông Triều đang đặt ra đòi hỏi cấp bách về công tác bảo tồn để nâng tầm giá trị di sản về lịch sử, văn hóa, một thắng cảnh thiên nhiên đặc sắc của vùng Đông Bắc.  

    

Chùa Ngọa Vân thuộc xã Bình Khê, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) hơn 700 năm trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã viên tịch và hóa Phật tại đây. Tuy nhiên, di tích này đã trở thành phế tích bởi thiên tai, giặc giã và nạn đào bới, trộm cắp cổ vật, người ta đào xuyên chân tháp để tìm vàng vì nghĩ vua chúa tu ở đây ắt sẽ có châu báu. 

 

Ngôi tháp chùa Ngọa Vân từng bị đổ mất ngọn, còn bia đá ghi năm trùng tu chùa Ngọa Vân vào thời Lê Trung Hưng cũng đã bị vỡ làm nhiều mảnh. Xót xa trước cảnh ngôi cổ tự bị phá tan hoang, các nhà sư khi lên tu hành đã dựng lại bia, tháp từ các mảnh vỡ còn sót lại.

 

Đại đức Thích Thanh Tiến, Trụ trì chùa Ngọa Vân, xã Bình Khê, Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết: “Thấy chốn tổ tan hoang, mình về đây dựng lại được phần nào hay phần đấy. Khi tôi lên đây, 2 tháp đổ 1/3, tôi kêu gọi anh em thợ rừng giúp đỡ dựng trong 2-3 ngày. Đây vẫn còn 2 tháp ghi Phật hoàng tháp, tháp bên kia ghi Đoan nghiêm tháp. Căn cứ vào đây biết là tháp thờ Phật hoàng”.

 

Cách Ngọa Vân gần một ngày đi bộ, chùa Hồ Thiên - nơi vua Trần Nhân Tông từng thuyết pháp cũng không còn nguyên vẹn giữa rừng già. Các kết luận khảo cổ mới đây cho thấy, Hồ Thiên từng là thiền viện quy mô lớn với các dấu tích của một quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc tôn giáo như chùa, vườn, tháp, bia… Các chân tháp và đặc biệt là ngôi tháp bằng gạch đỏ và đá xanh không có dấu tích của mạch vữa hay chất kết dính cho thấy những giá trị về văn hóa, kiến trúc.

 

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tống Trung Tín, việc nghiên cứu những di tích chùa, tháp ở đây đã làm sáng tỏ thêm những giá trị của thiền phái Trúc Lâm. “Trước đây, nhận thức về các di tích về Trúc Lâm, người ta chỉ biết đến Yên Tử, nhưng thực ra Yên Tử chỉ là một phần trong cái hệ thống lý thuyết cũng như tích của Trần Nhân Tông. Cho nên bây giờ chúng ta thấy rằng, hệ thống Yên Tử và Trúc Lâm sẽ được mở rộng sang Ngọa Vân và Hồ Thiên”.

 

Và khi nhận thức rằng, chu trình đó mới là chu trình đầy đủ và hoàn mỹ nhất của thiền phái Trúc Lâm thì người ta sẽ quy hoạch đó không phải quy hoạch Yên Tử nữa, phải mở rộng sang toàn bộ vùng Đông Triều, trong đó 2 vùng lõi tâm điểm của nó là Ngọa Vân và Hồ Thiên, có thể là Quỳnh Lâm nữa mới tạo nên sự phong phú và đầy đủ trong việc phát huy những giá trị văn hóa cũng như giá trị nhân văn của di tích này để lại.

 

Với đề án “Mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử” lên gần 9.300 ha, trong tương lai, những di tích mới được phát hiện khảo cổ tại huyện Đông Triều được kết nối với quần thể không gian các di tích, danh thắng Yên Tử thuộc Uông Bí sẽ đem đến một cái nhìn đầy đủ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của một khu vực dày đặc trầm tích văn hóa và tạo thêm cơ hội để phát triển du lịch.

 

Trước mắt, một tuyến cáp treo hiện đại nhất lên Ngọa Vân và Hồ Thiên dài chừng 3km cũng đã được tỉnh Quảng Ninh cho khảo sát. Và như vậy, di tích Ngọa Vân và Hồ Thiên vốn từng bị quên lãng trong rừng già sẽ được đánh thức để khai thác du lịch./.

Nguồn: VTV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT