Non nước Việt Nam

Thơm thảo bánh lòng – Hải Dương

Cập nhật: 31/03/2011 10:18:45
Số lần đọc: 2583
Một thứ bánh đi vào truyền thuyết. Một thứ bánh được làm công phu từ những nông sản bình dị nhưng thể hiện tình cảm của con cháu với tổ tiên. Đó là bánh lòng ở thôn Huề Trì, xã An Phụ.

Bánh lòng là sản vật kết tinh từ những tinh hoa trời đất, sự cần cù, khéo léo của bàn tay con người. Bánh được làm chủ yếu vào Tết Nguyên đán dâng lên ông bà, tổ tiên. Bánh lòng được làm từ những nguyên liệu chính: gạo nếp cái hoa vàng, đường, lạc, vừng, thịt ba chỉ quay kỹ, mứt, hương liệu. Thóc nếp sau khi gặt về được phơi già để trong chum đậy kín. Khi làm bánh, thóc được chọn cẩn thận, không có hạt lép, mốc.

 

Trước đây, thóc được đem rang trong chảo gang lớn đến khi nổ hết thành bỏng thì thôi. Để bỏng nổ đều, không bị cháy, trong quá trình rang phải rất cẩn thận, dùng chổi rơm nhỏ đảo liên tục, ngọn lửa luôn giữ ở nhiệt độ vừa phải. Thóc sau khi rang xong đổ ra nia sau đó nhặt, sẩy hết trấu chỉ còn lại bỏng. Bỏng được cho vào cối đá giã nhỏ, mịn. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian, vì bỏng giã càng mịn bánh càng ngon.

 

Đường cô thành mật, lấy một giọt đường thả vào bát nước nguội thử, giọt đường vẫn giữ nguyên không bị vỡ là được. Theo kinh nghiệm, đường cô càng kỹ, bánh sau này sẽ càng chắc, khô và thơm. Lạc rang bỏ vỏ, vừng rang thơm, gừng giã lấy nước, thịt ba chỉ thái hình con rươi quay kỹ, mứt, hương liệu, tất cả cho vào nồi đường cô đảo thật đều, nhanh, nhuyễn.

 

Khi nguyên liệu đã được đảo đều, đổ bánh vào khuôn để ép. Khuôn bánh được làm bằng gỗ, có chiều dài 22 cm, rộng và dầy 10 – 11 cm. Bánh đổ vào khuôn dùng một thanh gỗ đặt lên và dùng búa gỗ lèn chặt đến khi bánh chắc là được. Khi tháo bánh ra khỏi khuôn, dùng dao sắc cắt thành từng miếng nhỏ và dùng giấy bóng màu gói lại, sau đó bọc thật kín khi nào dùng mới bỏ ra. Bánh ngon khi cắt ra có màu trắng của bỏng, xốp, khi ăn có độ dẻo, vị ngọt của đường, thơm của gừng, lạc và bỏng gạo.

 

Trước đây, bánh lòng được làm khá phổ biến ở Kinh Môn nhưng nay hầu như chỉ ở An Phụ còn duy trì làm. Sau rằm tháng chạp, nhiều nhà đã bắt đầu làm bánh. Người dân bây giờ làm bánh không rang thóc thành bỏng như xưa, mà dùng quả nổ từ gạo thành bỏng. Tiếng quả nổ ì ùng vang khắp thôn xóm, trở thành âm thanh đặc trưng, quen thuộc báo hiệu Tết sắp đến.

 

Trong ngày Tết, bánh lòng xuất hiện ở hầu hết các gia đình, giống như món bánh chưng vậy. Hiện nay, xã An Phụ còn 30% - 40% số gia đình giữ được truyền thống làm bánh lòng. Bánh lòng làm tốn rất nhiều thời gian, nên những nhà không có điều kiện đều mang nguyên liệu đến gửi gia đình có truyền thống làm bánh trong làng làm hộ. Một số hộ mở dịch vụ làm bánh với quy mô lớn phục vụ nhu cầu thưởng thức, làm quà biếu.

 

Mặc dù bánh lòng đã xuất hiện hàng trăm năm nay nhưng người dân ở đây không biết tại sao lại có tên gọi bánh lòng. Theo các bậc cao niên ở đây, có lẽ vì bánh lòng được làm từ những sản vật của quê hương, cộng thêm quá trình làm bánh rất công phu, để có bánh ngon người làm ngoài sự khéo, cần thể hiện được tâm huyết, tình cảm của mình vào bánh, đồng thời, bánh là thức quý dùng để thờ cúng vào dịp Tết cổ truyền, quà biếu người thân để thể hiện tình cảm của con cháu đối với tổ tiên, gia đình, người thân, nên có tên gọi là bánh lòng. 

 

Nguồn: website NLD

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT