Cá linh - Món ăn đặc sản ở đồng bằng sông Cửu Long
Theo quyển “Nửa tháng trong miền Thất Sơn” của học giả Nguyễn Văn Hầu, người ta gọi con nước đổ là vì “nước chỉ từ nguồn đổ xuống biển, không chảy lên”. Đặc biệt, “mỗi năm, khi nước bắt đầu đổ thì trứng cá nở thành con. Chúng bị làn nước “giang hồ phiêu bạt”, lênh đênh vượt biên thùy. Ven Đồng Tháp Mười về phía Tiền Giang cũng như các vùng đồng bằng Cỏ Lau, Bắc Đai, Láng Linh, miền Hậu Giang, là những nơi trú ẩn tốt cho chúng”. Và thế là cá linh bắt đầu cuộc sống mới của chúng, là cơ hội để người dân đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền đua nhau đánh bắt. Để đánh bắt cá linh non, đơn giản nhất là người ta dùng một chiếc mùng vải thô kéo căng trên một khúc sông.
Nếu có phương tiện dùng một chiếc xuồng cùng một chiếc vợt lớn thọc sâu xuống mặt nước. Khi các phương tiện đánh bắt này được kéo lên, người ta thấy đặc ngừ những con cá linh non, lớn cỡ mút đũa, giãy giụa, vảy bạc ánh lên lấp lánh. Dọc theo những bờ sông, bờ ruộng, những ngày này, điên điển nở những đóa đầu mùa vàng tươi ánh nắng mặt trời. Mà bông điên điển đầu mùa thì vừa ngon vừa không có sâu. Những ngày này, đến vùng địa đầu biên giới Tây
Đến con nước ngày 10/11 và con nước ngày 10 tháng Chạp âm lịch, cá linh trộng hơn đổ về đặc ngừ cả khúc sông Khánh An (An Phú, An Giang). Ngư dân vùng này hãnh diện khoe: “Chỉ cần thò vợt xuống sông, giỡ lên là nặng một tay cá!”. Hơn thế nữa, chúng theo dòng chảy, xuôi về miệt hạ lưu hai con sông lớn nhất của dòng Cửu Long, tạo thành một sự sung túc về thực phẩm tươi sống cho nhân dân vùng sông nước. Ngoài việc kho lạt, giằm me chấm rau sống ăn rất hấp dẫn, người ta còn dùng cá linh để nấu mắm kho hoặc lẩu mắm, là những món ăn ngon trong những ngày tiết trời se se lạnh. Cũng với cái thời tiết khiến người ta phải mặc áo ấm ấy, chỉ cần có một dĩa cá linh trộng trộng chiên giòn, chấm nước mắm ớt, nhai trong răng, nhấp một chung rượu đế loại ngon thì các lỗ chân lông hình như mở rộng ra. Chiêu vài ngụm rượu, ăn vài ba đũa cá, hơi ấm của rượu, vị nóng của ớt, chất đạm của cá đã khiến ta không còn cần đến chiếc áo dày cộm nữa.
Trong những tháng ngày cuối năm này, bông so đũa nở trắng khắp các ngọn cây. Mà từ lâu bông so đũa đã trở thành một món ăn đặc sắc của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long: canh chua cá linh bông so đũa, cũng như canh chua cá linh bông điên điển là trở thành một bản sao văn hóa ẩm thực thời khẩn hoang của nước ta. Bông so đũa đầu mùa không có sâu, ăn rất ngọt. Cá linh cuối mùa, con nào con nấy mập ú ụ, mỡ bám đầy bụng, ăn rất béo. Nấu nồi canh chua cá linh bông so đũa phải nêm me cho vừa chua và nhất là khi nấu không được quậy khiến bông so đũa bị giập và cá linh bị nát. Múc đầy tô canh chua cá linh bông so đũa, ta thấy li ti những đốm mỡ nổi trên mặt và những làn hơi nóng tỏa thơm mùi đặc trưng. Loại canh này ăn với cơm đã ngon, nhưng nếu làm “mồi” lai rai với ba xị đế lại càng tuyệt!