Ninh Bình: Hoa Lư đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoa Lư lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2010-2015 đã nêu rõ: “Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ du lịch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong phát triển kinh tế. Đồng thời tiếp tục thu hút, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...”. Mục tiêu đặt ra là phải phát triển được cả hai mũi nhọn của huyện là: du lịch, dịch vụ du lịch gắn với phát triển làng nghề.
Thực tế nhiều năm qua, Hoa Lư đã trở thành điểm du lịch, vùng du lịch nổi tiếng thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, huyện cũng có những làng nghề truyền thống độc đáo. Đó là làng nghề thêu ren Văn Lâm (Ninh Hải) và làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân. Nghề thêu ren đã xuất hiện cách đây khá lâu, đến nay đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hiện có 8 doanh nghiệp với hàng nghìn lao động đang làm nghề tại địa phương, doanh thu hàng năm về thêu ren đạt từ 60-70 tỷ đồng. Nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân cũng có từ rất sớm và hiện đang thu hút hơn 4.000 lao động... Để phát huy những tiềm năng, thế mạnh đó, trong nhiều năm qua Đảng bộ và nhân dân huyện Hoa Lư đã tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, trong đó lấy phát triển du lịch, dịch vụ du lịch, phát triển các làng nghề làm mũi nhọn, đồng thời từng bước gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch. Ngay từ năm 2007, Đảng bộ huyện đã ra Nghị quyết số 02 về phát triển du lịch đến năm 2010 trên địa bàn. Từ đó lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án; tăng cường công tác quản lý các hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch; xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh ở khu du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng... Đến nay, 3 trung tâm du lịch trên địa bàn huyện là Khu di tích lịch sử - văn hoá Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An và Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã thu hút được lượng khách tham quan lớn, từ 500.000-700.000 lượt người/năm. Doanh thu từ du lịch trên địa bàn huyện trung bình mỗi năm đạt khoảng 40 tỷ đồng.
Về phát triển làng nghề, trong năm 2006, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã kịp thời chỉ đạo lập quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích là 23 ha. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của huyện. Nếu như năm 2008 mới chỉ có 30/69 hộ đăng ký thực hiện tiến trình sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ tại làng nghề, đến nay đã có 69/69 hộ tham gia. Theo chỉ đạo của huyện, để gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch, chúng tôi đang khuyến khích bà con mở rộng các mặt hàng sản xuất. Ngoài những mẫu hàng truyền thống có khối lượng lớn thì nay ở Ninh Vân đã xuất hiện những sản phẩm nhỏ, gọn và có độ tinh xảo cao, nhằm hướng đến đối tượng khách hàng là khách du lịch. Họ không chỉ đến tham quan mà còn có thể mua các sản phẩm đá mỹ nghệ làm quà lưu niệm. Đối với làng nghề thêu ren Ninh Hải, tháng 3-2010, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã có chủ trương chỉ đạo UBND huyện xây dựng quy hoạch chi tiết khu làng nghề theu ren thôn Văn Lâm. Đến nay UBND huyện đã lập xong quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 28,34 ha, kinh phí đầu tư là 60 tỷ đồng. Trong khu làng nghề có bố trí khu sản xuất, khu trưng bày và bán sản phẩm, có đình làng, cổng làng, khu dịch vụ, các nhà hàng ăn uống phục vụ khách tham quan, mua bán sản phẩm của làng nghề. Ngoài ra huyện cũng đang đề nghị tỉnh tạo điều kiện để địa phương xây dựng tuyến đường nối làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân với làng nghề thêu ren Ninh Hải và Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động (trong đó có bắc 1 cây cầu qua sông Hệ) để hình thành tuyến du lịch làng nghề.
Song song với việc phát triển du lịch, làng nghề, huyện cũng đã tính tới những giải pháp để hạn chế các vấn đề phát sinh có liên quan như: quy chế hoạt động, quản lý làng nghề, vấn đề môi trường; việc dạy nghề, truyền nghề, tạo vốn, nguồn nguyên liệu... nhằm đưa mũi nhọn kinh tế này thực sự phát triển bền vững. Đồng chí Nguyễn Sỹ Trí, Bí thư Huyện uỷ cho biết: Để thực hiện được mục tiêu đặt ra đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu. Đó là, đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, cho các cấp, các ngành trong huyện thấy được điều kiện, thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch, ngành nghề. Bên cạnh đó, huyện cũng tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân vay vốn để dạy nghề, truyền nghề, hình thành các trung tâm thương mại, điểm bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở các khu du lịch. Và một hoạt động không thể thiếu đó là bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho người dân, coi trọng việc xây dựng nếp sống văn hoá, ứng xử văn minh ở khu du lịch, làng nghề. Huyện cũng đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa tới việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đá cho làng nghề Ninh Vân phát triển lâu dài.
Nguồn: Báo Ninh Bình