Hoạt động của ngành

Hương Trầm (Phú Thọ) náo nức vào hội

Cập nhật: 05/04/2011 17:14:11
Số lần đọc: 2645
Hương Trầm (Dữu Lâu, Việt Trì) – tên tục gọi Kẻ Trằm là vùng đất ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Tổ. Nằm ở vùng hạ lưu màu mỡ của sông Lô và cũng là vùng hợp lưu của 3 con sông lớn đổ về, Hương Trầm nằm trong địa bàn định cư của các tộc người Việt cổ từ thời tiền – sơ sử.  

Trong vùng truyền thuyết kinh đô Văn Lang – Việt Trì thì Hương Trầm được tương truyền là vùng trồng lúa nếp thơm nổi tiếng thời Hùng Vương, chuyên cung cấp cho vua, các lạc hầu, lạc tướng, các mệ nàng và nhân dân trong vùng thổi xôi làm bánh chưng, bánh dày, đặc biệt trong các dịp tế lễ thần linh.  

Những người già trong làng nhớ lại: Tương truyền, thời xa xưa làng Hương Trầm có hai xứ đồng: Xứ Đồng Lẻ và xứ đồng Mẻ Trằm trồng rất nhiều lúa nếp cái hoa vàng – loại nếp dẻo, thơm chuyên dùng làm bánh dâng vua. Trải qua thời gian dài với sự tàn phá của chiến tranh, phong tục xưa dần mai một. Cách đây gần chục năm, với mong muốn khôi phục lại nét truyền thống quý báu của quê hương đồng thời cũng thể hiện tấm lòng thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, bà con Hương Trầm quyết tâm khôi phục lại truyền thống gói bánh chưng dâng vua vào ngày Giỗ Tổ.  

Đội gói, nấu bánh có 7 – 8 thành viên trong đó Trưởng ban VH-TT phường làm Trưởng đoàn, Trưởng khu Hương Trầm làm Phó đoàn, các thành viên đội gói là những người nhanh nhẹn, khéo léo, có tinh thần trách nhiệm. Vì gói bánh dâng vua nên yêu cầu về chất lượng của những chiếc bánh khá khắt khe. Những chiếc bánh dâng vua phải vuông rìa sắc cạnh, đều bánh. Bánh chín rền, xanh vỏ, nếm vừa, có hương thơm, đỗ không bị vón; khi cắt bánh 4 góc nhân đều phải nằm giữa, nhìn đẹp, hấp dẫn… Để làm được điều đó yêu cầu các thành viên trong đội phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nguyên liệu cũng như rèn luyện kỹ thuật gói. Gạo nếp phải là loại nếp cái hoa vàng, lá dong chọn lá bánh tẻ, bầu lá. Nhân bánh được làm từ thịt ba chỉ và đỗ xanh trong đó thịt ba chỉ phải chọn loại nạc, mỡ vừa phải để miếng bánh thơm ngon, béo ngậy nhưng không ngấy…  

Ông Đỗ Tất Thanh - Trưởng khu Hương Trầm cho biết: Truyền thuyết gói bánh chưng, giã bánh dày đã trở nên vô cùng quen thuộc với nhân dân ta. Nó không chỉ nhằm giải thích sự tích của bánh chưng, bánh dày mà còn phản ánh thành tựu của nền văn minh nông nghiệp lúa nước thời Hùng Văn Lang – Âu Lạc. Cứ đến dịp giỗ Tổ Đội gói, nấu bánh chưng của làng rất háo hức dự, thi tài và nhiều năm liền giành được giải cao. Đặc biệt, năm 2010 vừa qua, đội đã đạt giải Nhất tại hội thi nấu bánh chưng, giã bánh dày phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng… 

Hương Trầm ngày nay đã khác xưa. Nhiều ngôi nhà mới, công trình mới đã hoàn thành hoặc đang được triển khai thực hiện thúc đẩy quá trình đô thị hóa khiến làng Hương Trầm như được thay da, đổi thịt từng ngày. Xứ Đồng Lẻ, xứ Đồng Mẻ Trằm… đang dần được thay thế bởi những công trình giao thông, trường học phục vụ cho sự phát triển không ngừng của xã hội. Mặc dù vậy nhưng gần đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng bà con Hương Trầm vẫn tất bật chuẩn bị gạo nếp, lá dong... để gói những chiếc bánh chưng dền, ngon, đẹp nhất dâng vua. Không chỉ ở Hương Trầm, các khu dân cư khác của xã Dữu Lâu cũng náo nức chuẩn bị các hoạt động chào mừng ngày Giỗ Tổ như thành lập đội bơi chải ở khu phố II, đội múa lân khu Quế Trạo… Không khí lễ hội đã tưng bừng khắp nơi nơi…

Nguồn: website báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục