Hoạt động của ngành

Hà Giang: Tạo điểm nhấn thu hút du khách đến Cao nguyên đá Đồng Văn

Cập nhật: 06/04/2011 09:30:57
Số lần đọc: 2858
500 ha hoa đào và mận-loài cây đặc trưng trên Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ được trồng dọc các tuyến đường chính, các điểm du lịch, làng văn hóa, hồ chứa nước... nhằm tạo điểm nhấn cảnh quan, hút khách du lịch đến với Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu, đặc biêt trong dịp xuân.

Như vậy, du khách đến Hà Giang, không chỉ choáng ngợp trước sự hùng vĩ của không gian, cảnh sắc, còn được sống trong khung cảnh lãng mạn, "độc nhất vô nhị" trong cả nước.

Cao nguyên đá Đồng Văn từ lâu đã trở thành “nơi ước đến, chốn mong về” của khách du lịch trong và ngoài nước. Bởi lẽ, trên mảnh đất này, ngoài cảnh sắc, núi non hùng vĩ, nó còn chứa đựng bên trong nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người bản địa, nhiều giá trị của thời kỳ kiến tạo trái đất đang được các nhà khoa học khám phá. Từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu, du khách đến Hà Giang, đặc biệt khách quốc tế tăng đột biến. Điều này đang dần khẳng định, thông qua hoạt động du lịch, cuộc sống người dân vùng Cao nguyên đá sẽ từng bước được cải thiện theo hướng bền vững. CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một quần thể núi non hùng vĩ, trải dài trên 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Nơi đây địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, chia cắt mạnh và chứa đựng nhiều cảnh quan hùng vĩ, nhiều thắng cảnh đặc sắc, hệ sinh thái đa dạng, phong phú; nhiều nhóm động, thực vật quý hiếm, nhiều di sản địa chất mang tầm cỡ khu vực, quốc tế. Đây là lợi thế vừa phát triển ngành du lịch, vừa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý báu, bảo vệ di sản địa chất, giới thiệu, quảng bá nét văn hoá truyền thống, đa sắc màu của người dân vùng cao.


Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thu hút du khách đến với CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, đặc biệt mỗi khi mùa Xuân đến, tỉnh Hà Giang đã quyết định triển khai Phương án trồng cây cảnh quan trên toàn bộ vùng Cao nguyên đá. Mục tiêu của Phương án là trồng cây tạo cảnh quan, cải thiện môi trường, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, tăng thu nhập cho một bộ phận đồng bào các dân tộc 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc; nâng độ che phủ rừng, tạo nguồn sinh thuỷ phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất; hình thành các điểm nhấn về cảnh quan. Theo đó, từ năm 2011-2015 sẽ trồng 500 ha cây cảnh quan trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc và xã Minh Tân (Vị Xuyên) - cửa ngõ phía Nam của CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Trên địa bàn huyện Mèo Vạc sẽ trồng 140 ha, Đồng Văn 130 ha, Yên Minh 120 ha, Quản Bạ 100 ha và xã Minh Tân trồng 10 ha; riêng xã Minh Tân, cảnh quan hai bên đường sẽ được tôn tạo cho xứng với vị trí cửa ngõ vào CVĐC toàn cầu.


Thực hiện chủ trương trên, các huyện sẽ áp dụng những tiến bộ KHKT vào quá trình tuyển chọn dòng giống cây trồng sinh trưởng nhanh, tầng tán, hoa đẹp, mang đặc trưng của vùng, giống cây tham gia Phương án gồm Đào và Mận - loài cây đặc trưng trên Cao nguyên đá; các khu vực giáp ranh được trồng mỗi huyện một loài cây để phân biệt địa giới hành chính. Năm nay, Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng sẽ cung ứng đủ số lượng cây giống theo chủng loại, hiện trong vườn ươm đã có 6.500 cây Đào đỏ Trung Quốc, 4.500 cây Mận Tam hoa, số lượng cây còn thiếu các huyện sẽ bố trí, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giao; từ năm 2012, BQL Dự án Đầu tư Bảo vệ và phát triển rừng các huyện chủ động hợp đồng với đơn vị cung ứng, cung cấp giống Đào ta.


Địa điểm được chọn trồng cây cảnh quan gồm dọc các tuyến đường vào điểm du lịch, điểm dừng chân, tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, làng văn hóa du lịch cộng đồng, xung quanh trường học, trụ sở cơ quan cấp huyện, cấp xã, quanh hồ chứa nước sinh hoạt. Tất cả các điểm giáp danh giữa các huyện được trồng loài cây khác nhau để phân biệt rõ địa giới hành chính, cụ thể: Khu vực giáp ranh giữa xã Minh Tân trồng Đào ta, huyện Quản Bạ trồng Mận; điểm giáp ranh huyện Quản Bạ trồng cây Đào, huyện Yên Minh trồng Mận; khu vực giáp ranh huyện Yên Minh trồng Đào, Đồng Văn trồng Mận; điểm giáp ranh giữa đường đi huyện Đồng Văn trồng Đào, Mèo Vạc trồng Mận; khu vực giáp ranh giữa Đồng Văn và Mèo Vạc (đường Yên Minh - Mèo Vạc), Đồng Văn trồng Mận, Mèo Vạc trồng Đào. Những khu vực còn lại, BQL dự án các huyện căn cứ thực tế lập địa tiểu vùng bố trí cây trồng phù hợp, mang tính cảnh quan khu du lịch...


Việc trồng cây cảnh quan hai bên đường vào điểm du lịch, xung quanh trường học, trụ sở cơ quan cấp xã, các điểm du lịch, điểm dừng chân, danh lam thắng cảnh, làng văn hóa du lịch cộng đồng, quanh hồ chứa nước sinh hoạt được giao cho các tổ chức đoàn thể, cơ quan đóng trên địa bàn, các hộ gia đình đăng ký số lượng, loài cây, địa điểm, thời gian trồng với UBND cấp xã sau đó trình BQL Dự án cấp huyện. Đối với cây trồng tại trụ sở cơ quan cấp huyện, các cơ quan đăng ký trực tiếp với BQL Dự án cấp huyện về số lượng, loài cây, địa điểm trồng. Thực hiện Phương án, Nhà nước đầu tư 100% vốn mua giống, phân bón, chi trả nhân công trồng, chăm sóc bảo vệ trong 3 năm, hỗ trợ chi phí quản lý để chính quyền địa phương tổ chức thực hiện phương án với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng. Nguyên tắc thực hiện là ưu tiên các tổ chức, cá nhân địa phương tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ và được hưởng lợi; sản phẩm của Phương án gồm hoa, quả được ưu tiên cho tổ chức, cá nhân nhận trồng, quản lý, bảo vệ hưởng lợi, đồng thời chịu trách nhiệm trồng thay thế cây bị chết; được hưởng sản phẩm khai thác gỗ (nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý cho khai thác) khi cây đến chu kỳ khai thác hoặc cây đổ, gãy, nhưng phải trồng thay thế bằng những cây khác.


Việc triển khai Phương án trồng cây cảnh quan trên CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân, góp phần ổn định KT-XH, AN-QP, tạo hành lang xanh dọc tuyến Quốc lộ 4C và vẻ đẹp cảnh quan đặc trưng, mang sắc thái riêng biệt cho vùng Cao nguyên đá; tăng diện tích rừng trồng, chống bào mòn đất đai, điều tiết nguồn nước ngầm, cải thiện, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, nâng độ che phủ rừng; tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, đặc biệt trong dịp lễ hội Xuân.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục