Giỗ Tổ nghề thêu, sự tri ân nhiều ý nghĩa
Trong dịp này, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng được triển khai phục vụ du khách dự hội.
Nghề thêu có ở nước ta từ rất sớm nhưng phải đến thế kỷ 17 thì mới thật sự đạt đến độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện với sự truyền dạy của ông Lê Công Hành.
Theo gia phả lưu giữ trong nhà thờ Tổ nghề, ông là người làng Quất Ðộng, huyện Thường Tín (Hà Tây). Trong một lần đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc), ông đã học được kỹ thuật thêu chỉ mầu trên vải và cách làm lọng của người phương bắc. Khi về nước, ông đem dạy cho người dân làng Quất Ðộng cùng bốn xã lân cận và sau này là nhiều vùng, miền trong cả nước. Nhân dân Quất Ðộng cùng các xã chung quanh đã lập đền thờ, tôn vinh Lê Công Hành thành ông tổ của nghề thêu và lấy ngày mất của ông 12-6 âm lịch hằng năm là ngày giỗ Tổ nghề thêu Việt Nam.
Từ những kỹ thuật thêu ban đầu đó, bằng đôi tay khéo léo và sự sáng tạo của mình, các thế hệ thợ thêu và nghệ nhân nước ta đã tiếp tục phát triển những kỹ thuật mới theo từng phường hội, vùng, miền, tạo ra nhiều tác phẩm thêu mang đậm tính nghệ thuật và các giá trị văn hóa dân tộc.
Là một nhánh của nghề thêu truyền thống Việt Nam, nghề thêu tranh nghệ thuật cung đình Huế cũng đã từng có một thời kỳ phát triển rực rỡ. Sau đó do những biến động xã hội và thị trường cùng sự ra đi của nhiều nghệ nhân cao tuổi, nghề thêu này có xu hướng mai một, thậm chí có nguy cơ thất truyền. Tuy nhiên, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nghề thêu truyền thống cung đình Huế bắt đầu được khôi phục và phát triển, mở rộng đến các tỉnh, thành phố khác trong cả nước mà đặc biệt là tại thành phố cao nguyên Ðà Lạt với Trung tâm làng nghề thêu truyền thống XQ Ðà Lạt Sử Quán.
Hằng năm, tại đây vào đúng dịp lễ giỗ Ðức Tổ nghề thêu Lê Công Hành, Công ty XQ Việt Nam lại tổ chức lễ hội dâng hương, tri ân Tổ nghề và các thế hệ nghệ nhân đã có nhiều đóng góp cho nghề thêu. Năm nay, lễ giỗ Tổ nghề chính thức diễn ra trong hai ngày 11 và 12/7, thu hút hơn 2.000 nghệ nhân, thợ thêu trong cả nước về dự hội. Lễ giỗ Tổ nghề có nghi thức dâng hương trang trọng và thành kính tại Nhà thờ Ðức Tổ nghề thêu của các nghệ sĩ, nghệ nhân và thợ thêu.
Tiếp theo là nghi thức truyền thống của các nghệ nhân và người thợ thêu XQ có tên gọi "Buộc sợi chỉ ước nguyện" tại Ðền Ước nguyện, nói lên tâm nguyện và ước muốn hướng con người đến những điều thiện, mong những điều hạnh phúc phồn vinh sẽ đến với cuộc sống. Ðó cũng là những giờ khắc tâm linh sâu thẳm, thiêng liêng của người nghệ sĩ, nghệ nhân thêu hướng về cội nguồn, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai sáng, phát triển nghề thêu, tôn vinh và làm rạng danh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Ðiểm nhấn đặc sắc trong ngày hội giỗ Tổ là cuộc thi "Bàn tay vàng" dành cho các nghệ nhân, thợ thêu tiêu biểu đến từ mọi miền đất nước. Họ sẽ trình diễn những kỹ thuật được xem là bí quyết trong nghề và đua tài trong từng tác phẩm tranh thêu sinh động.
Bên cạnh đó là triển lãm những tác phẩm tranh thêu "Tri kỷ hữu" tại khuôn viên vườn Thiên nhai Tri kỷ hữu của Trung tâm XQ Ðà Lạt Sử Quán. Ðây là những bức tranh thêu cỡ lớn được thực hiện theo kỹ thuật thêu hai mặt, mô tả các loài hoa mà những người bạn của XQ đã chọn theo từng tháng, mang đặc trưng của thành phố hoa Ðà Lạt.
Sau nghi thức rước tranh hoa "Tri kỷ hữu" là phần hội bình chọn, công bố và trao giải nghệ nhân xuất sắc nhất và trao tặng 115 suất học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học của thành phố Ðà Lạt.
Phần hội của lễ giỗ Tổ sẽ nhộn nhịp với các hoạt động biểu diễn thời trang áo dài, liên hoan ẩm thực rượu hương tri kỷ và dạ tiệc đêm "Con đường gia vị Việt Nam", trong không khí đầm ấm, lãng đãng mộng mơ của đêm cao nguyên huyền ảo.
Các chương trình nghệ thuật: đêm thơ "Nhặt cỏ vườn trăng", đêm nhạc guitar "Dế đợi trăng" và "Thả những giấc mơ của người thợ thêu" sẽ tạo nên một không khí sôi động của nghệ thuật, tình yêu, tình đoàn kết và văn hóa, mang đặc trưng của XQ Ðà Lạt Sử Quán đầy chất thơ ca lãng mạn. Bên vườn hoa vọng nguyệt, du khách được các thiếu nữ nghề thêu giới thiệu về những quy trình để sáng tạo nên một tác phẩm tranh thêu nghệ thuật kỳ công, đòi hỏi không chỉ tài năng mà cả sự cần mẫn, kiên trì.
Tối 12/7, cùng với việc trao tặng giải thưởng "The Guide Award" cho các doanh nghiệp, doanh nhân do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, tại Nhà hát nghệ nhân Trung tâm Hòa Bình của thành phố Ðà Lạt, Công ty XQ Việt Nam còn tổ chức chương trình "Người nghệ sĩ sống về đêm" cùng màn trình diễn thời trang áo dài của các nghệ nhân, thợ thêu XQ...
Đã từ lâu nay, Ðà Lạt vẫn được gọi là thành phố hoa trên cao nguyên với những Festival Hoa nổi tiếng. Còn hôm nay, thành phố cũng thường được nhắc đến như một xứ sở của tranh thêu nghệ thuật với lễ hội giỗ Tổ nghề thêu đặc sắc và đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.