Khai thác tiềm năng du lịch của Vĩnh Lộc, Thanh Hóa
Thiên nhiên ưu ái đã ban tặng cho Vĩnh Lộc nhiều danh lam thắng cảnh, hang động đẹp, nhiều di tích nổi tiếng có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, là tiềm năng để phát triển một ngành nghề mới: Ngành dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, để khai thác được lợi thế này đang là vấn đề cần quan tâm của nhiều ngành, nhiều cấp, trước hết là chính người dân Vĩnh Lộc.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc hiện có 147 di tích, trong đó rất nhiều di tích nổi tiếng có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa và danh lam thắng cảnh triển vọng cho phát triển kinh tế du lịch như Thành Nhà Hồ, nhà cổ Tây Giai, phủ Trịnh, nghè Vẹt, chùa Tường Vân, chùa Hoa Long, đền Trần Khát Trân, thắng tích Tiên Sơn, động Hồ Công...
Với thời gian trường tồn hơn 600 năm, Thành Nhà Hồ là một trong những công trình thành cổ tiêu biểu với lối kiến trúc hết sức độc đáo. Cổng thành và những bức tường thành vẫn còn đó nét uy nghi và vững chãi. Những khối đá xanh vuông, có trọng lượng từ 10 đến 20 tấn được ghép với nhau một cách tự nhiên, tạo nên sự vững chắc. Kiến trúc xây thành cùng những cổ vật tìm được cho thấy Thành Nhà Hồ có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc to lớn của di tích là những tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng nơi đây thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, nhất là khi Thành Nhà Hồ đang được xem xét đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Điểm dừng chân tiếp theo là ngôi chùa cổ Báo Ân, thuộc làng Bồng Thượng (xã Vĩnh Hùng) - nơi phát tích của 12 đời Chúa Trịnh với 249 năm trên chính trường lịch sử dân tộc. Trải qua bao biến cố thăng trầm, nơi đây vẫn còn là một làng quê yên bình, lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể giàu bản sắc. Trong đó có nhiều lễ hội truyền thống gắn với các di tích lịch sử văn hóa như: Phủ Trịnh, nghè Vẹt, đền thờ quốc công Hoàng Đình Ái (được xếp hạng cấp quốc gia); các di tích cấp tỉnh như: Đền thờ quận công Hoàng Đình Phùng, đền thờ Đường công Lê Quang Lộc. Báo Ân là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, được xây dựng dưới chân núi Báo, nhìn ra sông Mã với cảnh quan rộng, thoáng đãng. Chùa nổi tiếng là linh thiêng ứng nghiệm. Trải qua tác động của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, trước đây chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến nay, với sự thành tâm công đức của các tăng ni, phật tử và nhân dân cả nước, chùa đã được trùng tu, tôn tạo với quy mô bề thế, là điểm đến hấp dẫn của du khách.
Chùa Báo Ân còn gắn với lễ hội Rước Nước được tổ chức từ ngày 27 đến 29-2 âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, những chiếc thuyền rồng và giọng hát, điệu múa chèo thuyền giữa dòng sông Mã trong xanh với ý nghĩa cầu quốc thái dân an, cầu mùa màng và sự bình yên, no đủ. Những trò chơi, trò diễn dân gian như: So đẩy gậy, kéo co của chị em, cờ người, tổ tôm, bài điếm của các bậc cao niên càng làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của một vùng quê giàu truyền thống. Với nhiều nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn, lễ hội này đang mở ra cơ hội phát triển du lịch tâm linh bên bờ sông Mã.
Động Tiên Sơn - cảnh đẹp quyến rũ của thiên nhiên ban tặng cho đất và người Vĩnh An. Bước vào trong động, đất trời hòa quyện như trong một cõi tiên. Vô số thạch nhũ xếp thành tượng Phật Bà Quan Âm, Đức Phật ngự trên tòa sen với sắc mặt khoan dung, độ thế... Động có đường lên trời, đường xuống thủy cung với muôn hình vạn vật trong các tư thế hoạt động vui đùa tạo nên một cõi tiên sống động, đủ màu sắc lung linh, óng ánh. Từ động Tiên Sơn, du khách chèo thuyền sang động Kim Sơn trên đầm nước trong vắt, dập dềnh màu xanh nhạt, non tơ của những mầm củ ấu - một sản vật nổi tiếng ở vùng Vĩnh Lộc. Từ vòm động, những nhũ đá trắng đục nổi lên như hình con rùa, con cá sấu, những bếp đá tự nhiên và rất nhiều yên ngựa, là nơi người xưa đã từng ngồi uống rượu, làm thơ, đàm đạo việc đời. Trong động có chuông trời, gõ vào thấy âm vang trầm bổng. Lại có hang tình yêu, là nơi để nam thanh, nữ tú trò chuyện tâm tình. Cửa và trên vách động có những dòng chữ Hán “Phong môn”, “Ngọc Hồ động”, “Thanh Hoa thắng tích”, “Mặc nhiên cao thanh” cùng những bài thơ của các thi nhân xưa đề trên vách đá càng làm tăng thêm vẻ kỳ ảo, hấp dẫn của động...
Không chỉ có vậy, Vĩnh Lộc còn là vùng đất cổ sớm có con người tụ cư sinh sống đã tạo nên một vùng đất giàu truyền thống văn hóa không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử, điều đó đã được chứng minh qua các di tích và Di chỉ khảo cổ học như Di chỉ cồn Mũi Ốc (làng Còng, xã Vĩnh Hưng), di chỉ Đa Bút (xã Vĩnh Tân), di chỉ làng Hang Núi Sen (xã Vĩnh An), đền Nàng Bình Khương, đền Tam Tổng, hang Nàng nơi giam vua Trần Thiếu Đế (cháu ngoại của Hồ Quý Ly) cùng hai nàng hầu tại xã Vĩnh Yên, di tích đền thờ Thái úy Trịnh Khả - người có mặt trong hội thề Lũng Nhai của Lê Lợi... Tất cả những yếu tố này sẽ là điểm mạnh để huyện Vĩnh Lộc phát triển ngành dịch vụ du lịch.
Hiện tại, huyện đã làm tốt công tác kiểm kê di tích, danh thắng trên địa bàn; xây dựng kế hoạch bảo vệ, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị các di tích danh thắng ở địa phương; khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể làm tiền đề cho việc phát triển du lịch trong thời gian tới. Huyện đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển sự nghiệp văn hóa thể dục - thể thao giai đoạn 2007-2010, định hướng phát triển đến năm 2015 trong đó đề cập đến việc quản lý, khai thác có hiệu quả các di tích trọng điểm (Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao, Động Hồ Công, Quần thể di tích chùa Hoa Long, đền Trần Khát Chân, thắng tích Tiên Sơn...) theo hướng kinh tế du lịch; duy trì đầu tư, nâng cấp lễ hội “Rước nước”; lễ hội “Trần Khát Chân”; lễ hội “Kỳ Phúc” ở làng Cẩm Hoàng trở về nguyên gốc truyền thống xa xưa. Thời gian tới, huyện sẽ lập quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: Tiếp tục đầu tư tôn tạo Khu Di tích Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao và các di tích vệ tinh; đầu tư xây dựng các nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn; làm hàng lưu niệm; sản xuất hàng hóa đặc sản của địa phương như chè lam, cà Giáng, sâm Báo; đầu tư xây dựng các địa điểm tham quan: Khu Di tích Phủ Trịnh-Nghè Vẹt, ở xã Vĩnh Hùng; Khu thắng tích động Kim Sơn, xã Vĩnh An; động Hồ Công, xã Vĩnh Ninh...; xây dựng các tuyến tham quan trong huyện: Thành Nhà Hồ - Làng chài cổ sông mã và các điểm phụ cận; Thành Nhà Hồ - chùa Giáng - Đàn tế Nam Giao - động Hồ Công; Thành Nhà Hồ – phủ Trịnh - động Kim Sơn... Tuy nhiên, tất cả những điều trên vẫn đang nằm trong kế hoạch duy chỉ Thành Nhà Hồ đã có ban quản lý di tích, đã xây dựng phòng trưng bày bổ sung tại di tích góp phần làm phong phú tuyến điểm tham quan của du khách. Khách tham quan được giới thiệu về những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao... thông qua hàng trăm hiện vật tiêu biểu qua khai quật và sưu tầm tại khu di tích.
Tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch của Vĩnh Lộc là rất lớn nhưng hiện nay vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa thực sự thu hút du khách và tạo ra nguồn thu lớn cho huyện. Việc khai thác những lợi thế sẵn có là điều kiện cần thiết, bởi không chỉ giúp huyện nhà tăng trưởng kinh tế mà còn để Vĩnh Lộc trở thành điểm đến hấp dẫn của bạn bè trong và ngoài nước. Để khai thác, sử dụng những tiềm năng này thành ngành kinh tế mũi nhọn, Vĩnh Lộc còn nhiều việc phải làm, đó là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch một cách bài bản, đầu tư nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, kèm theo chiến lược phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp, dịch vụ - du lịch; cần quan tâm, mời gọi các nhà đầu tư, các công ty, doanh nghiệp có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch vào đầu tư và đặc biệt quan trọng là sự nhận thức rõ ràng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển ngành “công nghiệp không khói” này đối với phát triển của địa phương.
Nguồn: Báo Thanh Hóa