Hoạt động của ngành

Về thăm vùng đất giàu tiềm năng du lịch Yên Hưng (Quảng Ninh)

Cập nhật: 26/04/2011 09:16:08
Số lần đọc: 2749
Nằm bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, có nguồn nước phù sa bồi đắp, là nơi chứng kiến biết bao chiến công lẫy lừng trong lịch sử dân tộc, Yên Hưng còn được biết đến là một huyện trọng điểm về phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh.

Yên Hưng có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhiều hải sản có giá trị và cả những cánh đồng bạt ngàn trù phú…

Yên Hưng tự hào với hơn 200 di tích lịch sử - văn hoá các loại, bao hàm trong đó là các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể; 39 di tích đã được xếp hạng Quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp tỉnh… cùng các lễ hội lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch.

 

Đến với Yên Hưng hôm nay, vượt qua cây cầu Sông Chanh, chúng ta sẽ đến vùng đất Hà Nam, nơi bảo tồn nguyên vẹn văn hoá, tín ngưỡng của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ. Với những làng nghề truyền thống như: Đan ngư cụ truyền thống Hưng Học (Nam Hoà), với những sản phẩm đặc trưng là những chiếc lờ, chiếc đó, thuyền nan và những dụng cụ đánh bắt thuỷ hải sản truyền thống, tại đây chúng ta có thể tận hưởng hồn quê qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đan thủ công. Chúng ta có thể đến thăm Chùa An Đông, một trong những ngôi chùa cổ còn tương đối nguyên vẹn. Chùa toạ lạc trên khu đất "có địa thế hùng tráng, được tứ khí chung đúc, sông, núi, gò, đồng bốn phía đủ cả Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước, là nơi đệ nhất danh thắng xứ Hải Đông xưa" (theo tấm bia “An Đông tự bi ký" khắc năm Hưng Trị thứ 2-1590). Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, các thiện nam tín nữ khắp nơi lại nô nức đến vãn cảnh chùa và cầu xin những điều may mắn đến với mình trong năm mới. Đến thăm Bãi cọc Bạch Đằng được sử dụng trong trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 với hàng trăm cọc bằng cây gỗ lim cắm sâu dưới bùn dài từ 3-5m ghi lại chiến tích của  thiên tài quân sự, anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn ở thế kỷ XIII…

 

Ngoài ra, khi đến thăm Yên Hưng, chúng ta còn được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của thiên nhiên; được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc văn hoá độc đáo; được hòa mình vào các lễ hội truyền thống: Lễ ra cỗ họ (mùng 2 tháng chạp); Lễ hội Tiên Công (mùng 6, 7 tháng giêng); Lễ đại kỳ phước của các làng xã (ngày 15 tháng giêng); Lễ hội Bạch Đằng (mùng 6, 7, 8 tháng ba âm lịch); Lễ hội xuống đồng (vào dịp đầu tháng 6 âm lịch) và nhiều hội làng độc đáo khác... cùng với đó là những không gian văn hóa qua các làn điệu hát chèo, hát đúm, hát giao duyên; thưởng thức những món ăn mang hồn quê như: Bánh dày, bánh gio vùng đảo Hà Nam... Đó là những nguồn tài nguyên quý giá, thuận lợi để Yên Hưng hình thành và phát triển trở thành một trung tâm du lịch văn hoá trong tương lai.

 

Những năm gầy đây, được sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh Quảng Ninh, Yên Hưng đã bắt đầu có những đổi mới, đặc biệt là đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Yên Hưng giai đoạn 2007-2020". Với hơn 330 tỷ đồng dự kiến sẽ đầu tư cho du lịch thì đây chính là cơ hội để Yên Hưng tập trung khai thác các lợi thế tiềm năng của mình. Điều đó sẽ phần nào tạo nguồn lực góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế chung của huyện.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Đình Dũng, Phó Phòng VHTT Yên Hưng cho biết: Mục tiêu này vừa là động lực thúc đẩy chiến lược phát triển du lịch của huyện Yên Hưng, vừa là thách thức không nhỏ với một huyện còn rất nhiều khó khăn phía trước. Phát triển du lịch bền vững luôn là cái đích để huyện hướng tới, đặc biệt là du lịch văn hóa.

 

Anh Dũng cho biết thêm: Từ năm 2006-2009 Yên Hưng đã đầu tư 78 tỷ đồng tôn tạo hệ thống di tích, trong đó vận động người dân tham gia đóng góp 18 tỷ đồng tôn tạo bảo tồn các di tích... Yên Hưng còn là địa phương gìn giữ khá nguyên vẹn hệ thống các chùa, đình làng và trên 80 từ đường dòng họ (trong đó có 24 nhà thờ họ được xếp hạng di tích quốc gia). Hàng năm ngoài những lễ hội lớn, Yên Hưng còn tổ chức nhiều lễ hội dân gian của các làng xã, dòng họ... tạo nên một không gian lễ hội độc đáo và đặc sắc…

 

Song, đó mới chỉ đi đúng được một phần về bảo tồn các di tích, trong khi thế mạnh phát triển du lịch lại chưa thật sự được địa phương khai thác. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch là điều kiện đầu tiên để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đầu tư vẫn chưa được quan tâm. Cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn), nhà hàng phục vụ ăn uống còn nhỏ lẻ, mới chỉ đáp ứng nhu cầu thông thường. Nguồn nhân lực cho du lịch còn thiếu chưa được đào tạo chính quy, chuyên sâu, công tác quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều hạn chế.

 

Với thế mạnh vốn có, Yên Hưng cần phải có một hướng đi, chiến lược vững chắc hơn như: Tập trung tăng cường thiết lập được mối liên kết, hợp tác du lịch với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Kết nối tuyến, điểm du lịch của Yên Hưng với các tuyến du lịch trong nước và quốc tế để thu hút khách du lịch về với huyện. Cần phải lồng ghép các chương trình quảng bá của huyện trong chương trình chung của tỉnh để giới thiệu hình ảnh du lịch của Yên Hưng; huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, nguồn vốn trong nhân dân để phát triển du lịch. Đây cũng là bài toán khó mà Yên Hưng rất cần sự hỗ trợ của tỉnh về xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, xã hội hoá trong lĩnh vực phát triển du lịch tại địa phương.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục