Lào Cai: Bảo tồn bản sắc văn hóa người Pa Dí
Đây thực sự là tin vui, là cơ sở quan trọng để tỉnh chú trọng hơn đến việc bảo tồn, phát huy vốn dân ca mang đậm bản sắc của dân tộc Pa Dí nói riêng, vốn dân ca của các dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn tỉnh.
Cả Sơn và Lan đều may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống dân ca, nên ngay từ nhỏ, các em đã biết và yêu thích các bài dân ca thông qua những câu hát ru của bà, của mẹ. Nhưng, niềm đam mê chỉ thực sự đến với các em khi được một nghệ nhân trong bản truyền lại. Bằng tình yêu và tâm huyết của mình, ông đã thổi hồn vào những làn điệu dân ca, từ đó, Sơn và Lan đã thêm yêu và trân trọng làn điệu dân ca của dân tộc mình. Giờ đây, cứ mỗi dịp làng mở hội, các em lại cùng với các nghệ nhân trong thôn tham gia biểu diễn góp vui. Hai em coi đó là môi trường để trau dồi vốn dân ca, đồng thời, cũng là nơi để rèn luyện, tự tin hơn trong cuộc sống. Lần đầu tiên bước ra sân khấu lớn và đặc biệt là ở một cuộc thi tầm cỡ quốc gia như vừa qua, sự bỡ ngỡ, hồi hộp là không tránh khỏi. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng được khỏa lấp vì các em hiểu rằng, đây là cơ hội rất tốt để giới thiệu tới mọi người về văn hóa phong phú của dân tộc Pa Dí. Bằng tình yêu dành cho dân ca với một chất giọng ngọt ngào, trong trẻo, cộng với lối diễn tự nhiên, tiết mục "ca ngợi bản làng" đã được Ban giám khảo đánh giá cao trong đêm chung kết.
Xã Tung Chung Phố có 10 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống. Trong đó, đồng bào Pa Dí có hơn 400 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở 2 thôn: Dì Thàng và Tả Chu Phùng. Người Pa Dí ở thôn Tả Chu Phùng vẫn còn lưu giữ được rất nhiều bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống, trong đó có dân ca. Quan trọng hơn, các bạn trẻ người Pa Dí dần quan tâm đến bản sắc văn hóa dân tộc. Để giữ gìn và bảo tồn những bài dân ca, chính quyền địa phương đã và đang có nhiều biện pháp tích cực. Thông qua những buổi họp thôn, giao lưu văn nghệ, các nghệ nhân thường xuyên lồng ghép những tiết mục dân ca nhằm khơi dậy niềm đam mê trong lớp trẻ. Đồng thời, để lứa tuổi thiếu niên hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc, các nghệ nhân tổ chức những buổi dạy để truyền thụ những bài hát dân ca và cách sử dụng nhạc cụ truyền thống. Đến nay, 2 thôn người Pa Dí đã thành lập được đội văn nghệ thường xuyên sinh hoạt theo định kỳ mỗi tuần một lần.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh tế đã đến nơi đây, đời sống của người Pa Dí không ngừng được nâng lên. Chất lượng cuộc sống được nâng lên, nhu cầu về đời sống tinh thần cũng không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, mặt trái của sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền khiến bản sắc văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Và thực tế cho thấy, hiện nay, những nghệ nhân còn lưu giữ những nhạc cụ truyền thống, đam mê những bài dân ca cổ truyền còn lại rất ít, chủ yếu là các nghệ nhân đã vào tuổi xế chiều. Chính vì vậy, để bảo tồn, giữ gìn cũng như truyền thụ kiến thức đến thế hệ trẻ không phải là chuyện đơn giản. Chính vì vậy, giải thưởng mà Tráng Thị Sơn và Tung Chả Lan vừa giành được tại Liên hoan dân ca các dân tộc thiểu số vừa qua chính là động lực thôi thúc các nghệ nhân cũng như mỗi người dân thêm tự hào và biết trân trọng, phát huy vốn quý văn hóa của dân tộc mình. Nghệ nhân Tráng Vần Mìn ở thôn Tả Chu Phùng mong muốn: Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Dí nói riêng, dân tộc thiểu số Lào Cai nói chung không phải là việc làm ngày một, ngày hai. Đòi hỏi một quá trình lâu dài với sự vào cuộc giúp đỡ của nhiều tổ chức xã hội. Những bạn trẻ như Tráng Thị Sơn hay Tung Chả Lan là những nhân tố tích cực đang góp một phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lào Cai.