Thanh Hóa: Tạo sức hấp dẫn từ những sản phẩm du lịch riêng, độc đáo
Thanh Hóa – một trong những điểm du lịch nổi tiếng bởi nhiều danh thắng, di tích đã tạo ra và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng, hấp dẫn.
Có lẽ không ở nơi đâu trên đất nước Việt
Đó là những lợi thế du lịch mà thiên nhiên đã ưu ái tặng riêng cho Thanh Hóa, cũng đồng thời là những sản phẩm du lịch đã và đang được khai thác tương đối hiệu quả. Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, đường giao thông, dịch vụ đi kèm... du lịch xứ Thanh đã tạo được nhiều nét đặc sắc riêng, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Tuy nhiên, như đã nói, sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bao gồm nhiều yếu tố cấu thành, điều đó đồng nghĩa với việc thiếu đi một yếu tố là làm giảm đi sức hấp dẫn của sản phẩm ấy. Đối với du lịch Thanh Hóa, sự “thiếu thốn” ấy là rất dễ nhận thấy. Đó trước hết là sự “nghèo nàn” về sản phẩm đi kèm (hay đồ lưu niệm). Tại điểm du lịch độc đáo như suối cá thần Cẩm Lương có không ít hàng quán bày bán các loại quà lưu niệm, trông cũng có tính dân tộc và khá bắt mắt. Duy có điều, một sản phẩm đặc trưng, không trộn lẫn, không có ở bất kỳ điểm du lịch nào lại vắng bóng, thay vào đó là những mặt hàng du khách có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi tham quan khác. Thiếu sản phẩm lưu niệm đặc trưng là khá phổ biến tại các thắng cảnh, các khu du lịch ở Thanh Hóa, nhưng có sản phẩm đi chăng nữa như nem chua, bánh gai Tứ Trụ, rượu Chi Nê... thì việc giới thiệu, quảng bá để đưa các sản phẩm ấy trở nên phổ biến, vì nhiều lý do, vẫn chưa thường xuyên, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Xứ Thanh từng nổi tiếng bởi nhiều làng nghề đồ thủ công truyền thống với nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo, nhưng việc gắn các làng nghề, các sản phẩm ấy vào du lịch còn hết sức hạn chế... Chính vì sự “thiếu thốn” đáng tiếc này đã tác động đến ý muốn “rút hầu bao” của du khách, bởi không nhiều người muốn chi tiền cho những mặt hàng không thực sự khiến họ thấy quan tâm, hứng thú.
Các công ty du lịch vốn là người cung cấp chính các sản phẩm du lịch đến với du khách, do vậy việc nắm bắt nhu cầu, thị hiếu cũng như xu hướng du lịch là rất cần thiết nếu muốn tạo ra một sản phẩm du lịch thu hút, tuy nhiên tính nhạy bén, chủ động của các doanh nghiệp này chưa cao. Chúng ta có biển Sầm Sơn, Hải Hòa đẹp nhưng không ít người đã “cảm thán” rằng “đến đây chỉ có tắm biển, ăn hải sản và... chấm hết”! Ít dịch vụ đi kèm, mà dẫu có cũng hoặc là nghèo nàn, hoặc chưa tạo được sự lôi cuốn đối với khách là thực trạng của khu du lịch nghỉ dưỡng Sầm Sơn, mà để khắc phục được người ta vẫn đang bàn đến vấn đề thời gian và kinh phí. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng hiện đang nổi lên như một loại hình du lịch mới lạ, nhất là với du khách nước ngoài, nhưng nếu nhìn xa hơn, thiết nghĩ vẫn còn không ít việc phải làm. Điều cốt yếu của hình thức du lịch này là nhu cầu được trải nghiệm thực tế chứ không đơn giản là đến và quan sát. Sự trải nghiệm ấy có được từ sự cùng sống, cùng sinh hoạt với người dân bản địa, chẳng hạn họ muốn ở lại qua đêm trong ngôi nhà sàn để nghe đồng bào diễn tấu cồng chiêng, để được múa hát với chủ nhân, được thưởng thức ché rượu cần thơm cay...
Những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thường ẩn chứa trong các sinh hoạt hằng ngày, bởi vậy nó cần được tìm hiểu, nghiên cứu hết sức bài bản nhằm chuyển tải đến du khách bức thông điệp văn hóa một cách chân thật và sống động. Hiện nay, việc nghiên cứu cũng như khai thác vốn văn hóa của đồng bào các dân tộc vào phục vụ cho du lịch vẫn mới ở bước đầu. Điều đáng lưu ý là muốn sản phẩm du lịch cộng đồng này sống lâu, sống khỏe, đòi hỏi người làm du lịch vừa phải hiểu và tôn trọng văn hóa của ta, vừa phải hiểu nhu cầu và tầm hiểu biết của người để họ không nhàm chán, quay lưng lại. Cũng chính vì lẽ đó, việc tạo ra những sản phẩm du lịch riêng, độc đáo, mới lạ là yêu cầu đặt ra không chỉ với ngành văn hóa, du lịch, các công ty du lịch lữ hành, mà ngay với cả người dân đang tham gia làm du lịch nếu muốn những sản phẩm ấy có sức hấp dẫn du khách.