Lên cao nguyên Bắc Hà xem đua ngựa
Vì đi đường xa hàng chục cây số nên họ mang theo ngựa. Khi sắp đến nơi, họ thường rủ nhau đua ngựa, ai đến đích trước thì bữa tiệc hôm đó được ngồi mâm trên, được thưởng rượu và các chàng trai khác nhường cho người về nhất chọn cô thôn nữ Mông, Tày, Nùng xinh đẹp nào đó tán tỉnh, kéo về làm vợ.
Trước cách mạng, giải đua ngựa ở Bắc Hà thường được tổ chức vào mùa xuân có tính chất quy mô toàn vùng. Chuyện thắng, thua có ảnh hưởng đến danh dự dân tộc, dòng họ, vùng miền. Hồi đó, đường đua lấy điểm xuất phát từ ngã ba chợ cũ và đích là bãi đất trống trước dinh thự Hoàng A Tưởng (một dinh thự cổ rất đẹp ở thị trấn Bắc Hà). Các kỵ sĩ khi đến đích phải nhảy xuống bắn 5 phát súng vào bia, sau đó cướp quả cầu đỏ và lại nhảy lên ngựa phi quay lại điểm xuất phát. Giải nhất thuộc về người nào phi nhanh nhất, bắn giỏi nhất. Đường đua hồi đó có nhiều chỗ dốc, chỗ cua gấp, rất nguy hiểm nên gần như trong cuộc đua nào cũng có ngựa và người bị thương và thậm chí có người bị chết.
Vào năm 1975, ở Bắc Hà tổ chức đúng một buổi diễu hành với 200 con ngựa đi khắp khu vực trung tâm chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến mùa xuân năm 1980, Huyện đội (Ban Chỉ huy Quân sự) Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sĩ, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ. Giải năm đó có hơn 50 kỵ sỹ người Mông, Tày, Nùng, Dao, tham gia đua ngựa, bắn súng. Giải đó, đại úy Lý Seo Thống - Đội trưởng Đội quân lương, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Hà lúc bấy giờ (nay đã 70 tuổi, sống ở xã Bản Phố) về nhất, còn ông Vàng Văn Rởi, ở thôn Na Hối Tày, đạt giải nhì chung cuộc.
Sau giải đua ngựa và bắn súng năm 1980, Bắc Hà không tổ chức giải nào nữa, mãi đến năm 2007 mới phục hồi, đến nay đã tổ chức được 4 giải. Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà bắt đầu được khởi động nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tinh thần, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Hà, khích lệ phong trào rèn luyện thể dục - thể thao theo gương Bác Hồ, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của địa phương là hoạt động rất hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất và người Lào Cai đến du khách trong nước và quốc tế.
Qua 4 năm tổ chức, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà đều thành công tốt đẹp, thu hút đông đảo khách du lịch tới xem, ước tính mỗi giải có trên 1 vạn lượt khách đến cao nguyên này. Điểm đặc biệt là ngựa của đồng bào là ngựa thồ; nài ngựa cũng đều là nông dân vùng cao, chân chất, mộc mạc, tất cả chỉ quen với công việc ruộng nương, thồ hàng. Tham gia giải đua đều là người dân bản địa - những người chủ đích thực của môn thể thao và đang bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống quý báu đó. Chính sự không chuyên nghiệp, cùng với nét nguyên sơ của giải đấu đã tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Lễ hội này đã tạo nên thương hiệu du lịch đặc trưng, độc đáo của địa phương, góp phần vào thành công của chương trình du lịch “Về cội nguồn", liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ.
Trên sự thành công đó, năm 2011, huyện Bắc Hà tiếp tục tổ chức giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng lần thứ 5. Giải năm nay có nhiều nét mới lạ, hấp dẫn so với giải trước, quy mô lớn hơn, không chỉ có sự tham gia của tất cả 21 xã, thị trấn trong huyện Bắc Hà, mà còn có ngựa đua đến từ nhiều tỉnh khác.
Giải diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/5/2011, đúng mùa thu hoạch mận tam hoa. Du khách đến Bắc Hà vừa xem đua ngựa, vừa tham quan, chiêm ngưỡng rừng mận tam hoa chín đỏ rực và thưởng thức tại chỗ trái mận thơm ngon. Mục đích của việc tổ chức giải trong 2 ngày là để ngựa có thời gian phục hồi thể lực, do đó, chắc chắn thành tích của ngựa đoạt giải vòng chung kết năm nay sẽ cao hơn các giải trước. Tại vòng loại vẫn tiến hành mỗi lượt đua 5 ngựa, nhưng sẽ tính thời gian để lựa chọn đủ số lượng ngựa đua vào chung kết theo thứ tự từ thấp đến cao mà không chọn ngựa về nhất từng loạt vòng loại như trước. Điều đó tạo sự công bằng cho ngựa đua.
Năm nay, Ban tổ chức sẽ vẫn trao các giải thưởng như mọi năm, trong đó, giải nhất trị giá 20 triệu đồng tiền mặt.
Cùng với hoạt động của giải, còn kèm theo các hoạt động phụ trợ khác như: ngày hội ẩm thực, tham quan làng du lịch sinh thái (Trung Đô - Bảo Nhai, xã Tả Van Chư), hội thi mận tam hoa của các huyện trên địa bàn tỉnh và các hoạt động văn nghệ đặc sắc do đội văn nghệ Cao nguyên trắng Bắc Hà và đội văn nghệ Hương Trà từ huyện Sín Mần - Hà Giang biểu diễn.
Hiện nay, huyện Bắc Hà đang tập trung làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm tổ chức thành công giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng lần thứ 5.