Hành trang lữ khách

Về Cần Thơ nghe ca vọng cổ

Cập nhật: 26/05/2011 15:36:06
Số lần đọc: 2872
Thành phố Cần Thơ nằm trên bờ phải sông Hậu, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Mảnh đất ấy nên thơ với những câu ca vọng cổ nghe say đắm lòng người…

“Cần Thơ ai dệt nên thơ” - câu ca ấy đã thể hiện sự trữ tình của địa danh nổi tiếng với những vườn cây ăn trái, chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều thơ mộng… Bên cạnh đó, người ta cũng không quên những giai điệu làm nên văn hóa một vùng đất Tây Đô ở cực Nam tổ quốc - ca vọng cổ.

 

Người ta bảo nhau rằng, về thăm Cần Thơ mà không đi nghe ca vọng cổ thì xem như uổng phí một chuyến đi. Thật vậy, vọng cổ là một trong những nét văn hóa đặc sắc của miền Tây Nam Bộ. Xuất xứ từ tên “cầm, thi, giang” (đàn, thơ, sông), Cần Thơ là mảnh đất mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước.

Nếu chợ nổi là nơi buôn bán, tạo ra của cải vật chất thì đờn ca tài tử, vọng cổ là điều nuôi dưỡng tâm hồn của con người miệt vườn sông nước. Nét văn hóa ấy đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong lòng người bản xứ.

Chiều chiều khi con nước lên, trẻ nhỏ ra sau nhà đùa nghịch, tắm táp ở dòng sông mát rượi. Những cô gái quê đằm thắm lo dọn dẹp bữa cơm chiều. Những người đàn ông tranh thủ bày bữa nhậu chiều quê, trước sông nước mênh mang lấy hơi ca vài câu vọng cổ, nghe thiệt mùi mẫn, không say không về…

Cũng như những làn điệu dân ca của các vùng miền khắp nơi trên Tổ Quốc, cái hay của Vọng cổ thật khó để diễn đạt bằng lời. Không biết dùng ngôn từ gì để miêu tả được cái chất ngọt, men say trong những câu vọng cổ chứa đựng biết bao nghĩa tình sâu nặng. Chỉ có ai may mắn được mắt thấy tai nghe, mới có thể cảm hết được điệu ca sâu lắng ấy!

 

Đến với miền Tây sông nước, sau khi thăm thú vườn cây ăn trái, ghé thăm cầu Cần Thơ và mua sắm ở khu chợ Nổi, du khách phải đi nghe Vọng cổ thì mới gọi là trọn vẹn chuyến tham quan. Có người trước đây từng nghe qua trên truyền hình và yêu thích, cũng có người không mấy “mặn mà”… Thế nhưng, nếu bạn một lần được nghe những nghệ sĩ ở nơi đây ca Vọng cổ thì mới thấy nó thật tuyệt vời.

 

Điệu nhạc này khởi nguồn từ bản “Dạ cổ hoài lang” của nghệ sĩ Cao Văn Lầu. Về sau, cùng với việc tăng số nhịp trong mỗi câu, bản vọng cổ ngày càng đa dạng thêm nhờ sự sáng tạo của các soạn giả, các nghệ sĩ.

 

Những quán ca cổ nằm khép mình trầm lặng ở Cần Thơ vẫn được du khách thường xuyên tìm đến thưởng thức. Sân khấu giản dị, bàn ghế đơn sơ nhưng đủ ấm lòng du khách đường xa. Câu vọng cổ ngân lên là bóng hình miền quê được tái hiện trên môi người nghệ sĩ…

Thú chơi đờn ca tài tử còn vì phong cảnh hữu tình, gợi cảm, gần với thiên nhiên. Các ban ca nhạc tài tử cũng thích chơi giữa cảnh trời trăng mây nước. Có thể ở gò đất cao cạnh ao làng hay trên chiếc thuyền trôi xuôi êm ả… Tất cả như nền nhạc đệm làm tăng vẻ hữu tình cho buổi đờn ca tài tử.

Có những đoạn nổi tiếng quen thuộc trong những vở cải lương thường phát trên truyền hình, cũng có những bản du khách mới được nghe lần đầu mà thấy xuyến xao đến lạ! Ở những quán ca ấy, người ta còn đưa cho khách một cuốn sổ có ghi lời của những bài vọng cổ, để họ có dịp được thử sức “thể hiện” với loại hình nghệ thuật thú vị này.

Tiếng ghi-ta phím lõm, cùng đàn nguyệt, đàn bầu, đàn cò… đã nâng lời ca lên và dẫn dắt vào lòng người. Những cung đàn lúc réo rắt, lúc khoan lơi, lúc lại trải dài mênh mang, lênh đênh như chính miền quê sông nước...

Cái cảm xúc khó tả khi tháng 4 sắp trôi đi mà ai nghe mấy câu vọng cổ này cũng thấy thời gian như ngưng đọng:

“Trời tháng Tư em mặc áo hoa cà
Qua ngõ nhà anh, em kéo nghiêng vành nón
Giả bộ vô tình, làm rớt cánh bằng lăng…”

Lời ca điệu hát là tâm hồn của người sáng tạo ra nó. Du khách đến Cần Thơ nghe điệu ca Vọng cổ là đã tiến gần thêm một bước với cuộc sống người dân nơi đây. Cái khối tình quê mộc mạc, chân chất, phóng khoáng và rất đỗi nên thơ như được chưng cất trong mỗi bản nhạc, khiến người ta quyến luyến không nỡ rời xa, giống như câu hát:

“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về…” 

Nguồn: website afamily

Cùng chuyên mục