Hành trang lữ khách

Du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Thượng

Cập nhật: 09/07/2008 16:07:47
Số lần đọc: 2727
Ngày cuối năm, chúng tôi thực hiện chuyến du lịch sinh thái đến Vườn quốc gia U Minh Thượng. Vùng quê miệt Thứ vốn đã yên ả, vào đến địa giới Vườn quốc gia lại càng tĩnh lặng bốn bề...

Trời mây bao la. Rừng tràm mênh mông… Con người có cảm giác nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ và tâm trạng bỗng trở nên thanh thản, dễ hòa mình vào môi trường tự nhiên của vùng đất đã sản sinh bao chiến công lịch sử trong những năm dài đấu tranh giữ nước.

 

Rất vắng lặng! Chỉ có tiếng vỏ máy khuấy động không gian và mặt nước đỏ ngầu của dòng kênh. Màu nước đỏ là một trong những đặc trưng độc đáo của rừng U Minh. Màu nước lá tràm ở đây không nơi nào có được. Đỏ ngầu nhưng không bẩn. Sậm màu nhưng không ô nhiễm. Bây giờ thì chỉ đỏ lá tràm chứ còn ở những năm tháng chiến tranh, dòng nước không ít lần  trộn lẫn màu máu quân dân Cách Mạng! Các dòng kênh nơi đây vẫn còn giữ vẻ hoang sơ. Nhiều dòng kênh nhỏ uốn éo gây khó khăn cho người điều khiển vỏ máy. Hai bên bờ cỏ mọc cao hơn đầu người. Không như phố thị đối kháng với cỏ dại. Cỏ cây um tùm nơi đây có ý nghĩa điểm tô vẻ đẹp của đất rừng.

 

Mênh mông mà tĩnh lặng! Tầm mắt tha hồ hướng nhìn trời mây cao vút xa xăm; nhưng thật gần ở cánh rừng trước mặt, phía sau lau sậy um tùm thì chẳng thấy được có những gì ở đấy! Tận mắt chiêm ngưỡng khung cảnh đất rừng mới thấu hiểu lời thơ ý nhạc ca ngợi sự vượt qua gian khổ và những chiến công của quân dân U Minh trong chuỗi ngày kháng chiến chống giặc ngoại xâm, để dạt dào tâm trạng tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, để cảm ơn thiên nhiên đã đồng hành cùng lịch sử giữ nước và dựng nước: “Rừng che bộ đội , rừng ngăn quân thù”…

 

Chúng tôi đã thấy những chú khỉ đang thơ thẩn dạo chơi. Chẳng những không thực hiện theo lời của chúng tôi đề nghị giảm ga vỏ máy vì sợ kinh động làm đàn khỉ bỏ chạy vào rừng sâu, anh chàng lái vỏ còn nẹt ga như kiểu dân xe máy quậy nơi phố thị. Rồi cười thích thú, anh nói: “Khỉ ở đây quen với khách du lịch rồi! Các anh coi kìa!”.

 

Quả thật! hai, ba,... rồi nhiều chú khỉ đã thoăn thoắt trèo lên cây cao nhìn sang hướng vỏ máy. Rồi chúng rung cây càng lúc càng mạnh. Trông thật tức cười! Không hiểu đó là kiểu chào đón du khách của bọn khỉ hay là chúng tức tối khi thấy có người dám xâm nhập vào địa phận của chúng?

 

Anh Phạm Quốc Dân, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, cho biết: Kết quả khảo sát cho thấy ở Vườn quốc gia U Minh Thượng hiện có 4 đàn khỉ. Chúng sống trong các khu rừng tràm và thường hay di chuyển đến các dòng kênh ngang dọc trong Vườn.

 

Từ giã đàn khỉ, chúng tôi tiếp tục thâm nhập vào đất rừng U Minh Thượng. Kia rồi! Khu vực ngự trị của các loài chim! Không bạo dạn như lũ khỉ, những chú chim cứ vỗ cánh tung bay khi chúng tôi tiến đến gần để quay phim, chụp ảnh. Những cánh chim tung bay giữa bầu trời bao la trên nền xanh bạt ngàn cây lá của khu rừng nguyên sinh thật đẹp, thật thơ mộng, hữu tình . Chỉ tiếc là máy ảnh, camera của chúng tôi đã không nhanh bằng đôi cánh chim. Các loài chim này đã và đang là mục tiêu nghiên cứu của nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã trong và ngoài nước. Kết quả các công trình nghiên cứu đã phát hiện có 186 loài chim thường xuyên có mặt tại Vườn, trong đó có rất nhiều loài quí hiếm cần được bảo vệ. Các nhà khoa học cũng đã xác định bước đầu về số lượng gần 500 loài động vật hiện diện tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, trong đó có một số loài nằm trong danh sách bảo vệ tuyệt đối của Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, mèo cá, dơi ngựa lớn, sóc lửa, sóc đuôi ngựa...

 

Không ghi được hình ảnh của đàn chim, chúng tôi tiếc ngẩn ngơ! Như hiểu được tâm trạng của chúng tôi, anh chàng lái vỏ máy đề nghị đến tham quan khu vực gọi là Máng Dơi. Xin cảm ơn anh tài xế vỏ máy! Chúng tôi đã có được những hình ảnh tuyệt đẹp nơi đây. Những chú dơi hiền lành không biết còn thức hay đã ngủ cứ bình thản nằm yên trên cây cho chúng tôi tác nghiệp. Anh Phạm Quốc Dân cho biết thêm: “Đã phát hiện có 7 loài dơi, trong đó có loài dơi ngựa Thái Lan đã được đưa vào sách đỏ bảo tồn động vật của thế giới”.

 

Rồi chúng tôi được hướng dẫn đến nơi dự định làm Khu tái tạo di tích lịch sử chiến khu U Minh Thượng. Địa điểm này từng là nơi làm việc của các cán bộ lãnh đạo trong những  năm chiến tranh. Nơi đây vừa  hoàn thành chiếc cầu nhỏ dài hơn 400 mét dành cho du khách vào tham quan. Chiếc cầu  xuyên qua nhiều lùm cây, bụi rậm giúp du khách hình dung phần nào khung cảnh hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trong những năm tháng bám rừng chiến đấu. “Trong năm 2008 này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu tái tạo di tích.” - Anh Phạm Quốc Dân cho chúng tôi biết như vậy.

 

Dù rất tiếc vì chưa tận mắt chứng kiến sinh hoạt của các loài thú thường xuất hiện hàng ngày như: heo rừng, chồn...; nhưng vì thấy không còn nhiều thời gian nên chúng tôi cũng đành đề nghị dừng chuyến tham quan mà trở về nơi xuất phát để chuyển sang tiết mục câu cá.

 

Vâng, quá thú vị với tiết mục câu cá! Quá thú vị khi được tự tay bơi xuồng tìm nơi thả mồi câu cá! Hôm ấy không phải là ngày cuối tuần nên vắng khách du lịch, chỉ có mỗi chúng tôi tận hưởng tâm trạng nhàn nhã giữa đất trời bao la. Khi đã câu được một số cá, chúng tôi bơi dần về hướng căng – tin của Vườn để tranh thủ có ngay thức ăn từ công sức của mình và tiếp tục ngắm nhìn những chú cá lượn lờ vờn quanh miếng mồi dưới nước...

 

Mặt trời đã xuống thấp. Rất nuối tiếc, chúng tôi nói lời từ giã những người bạn ở Vườn quốc gia U Minh Thượng với lời hứa sẽ trở lại để hiểu thêm và tận hưởng cảm giác tuyệt vời từ thiên nhiên mang đến trong chuyến du lịch sinh thái vào một ngày gần đây, có thể là trong những ngày Tết Nguyên đán Mậu Tý!

Nguồn: Kiên Giang

Cùng chuyên mục