Hoạt động của ngành

Triển vọng phát triển du lịch Ba Tri (Bến Tre)

Cập nhật: 09/07/2008 15:07:35
Số lần đọc: 2588
Từ nhiều năm nay, huyện Ba Tri (Bến Tre) khá lên là nhờ cây lúa, chăn nuôi và nghề biển. Tuy nhiên, huyện cũng đang sở hữu một lợi thế về tài nguyên du lịch với các lễ hội, các di tích văn hóa - lịch sử và một hệ sinh thái rừng, biển phong phú. Nếu có chủ trương phù hợp, đây là nguồn thu khá lớn cho kinh tế địa phương.  

Hằng năm, Ba Tri có các lễ hội lớn mang tính chất ảnh hưởng cả vùng Nam Bộ. Ðó là lễ giỗ đốc binh Phan Ngọc Tòng, người lãnh đạo nông dân đánh quân Pháp xâm lược ở Gò Trụi, xã An Hiệp với trận "giặc Hè" vang danh cho đến ngày nay. Tiếp đến là lễ giỗ nhân sĩ Lê Quang Quan từ bỏ quan trường về chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ chống thực dân Pháp và lễ giỗ nhà thơ yêu nước Nguyễn Ðình Chiểu. Trong từng ngày giỗ, dòng người về viếng khá đông. Họ đến để tưởng niệm những vị anh hùng đã khuất vì nước vì dân.

 

Ba Tri không có nhiều danh lam thắng cảnh, chỉ có những khu căn cứ cách mạng thời chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, nay vẫn còn lưu giữ một phần mang đậm nét hoang sơ. Ðó là Lạc Ðịa (còn gọi là Liệt Ðịa), chỉ rộng 118 ha, nằm sát nách sào huyệt của giặc, với gần 300 cái đìa của người dân dùng để bắt cá, mà vẫn hiên ngang tồn tại suốt mấy chục năm cho đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng. Nay không còn cây trâm bầu hoang dã, thay vào đó, trên bờ là vườn cây ăn trái, nào là chuối, xoài, mít, dưới nước nuôi cá rô đồng, sặc rằn thu về mỗi năm hai, ba trăm tấn cá. Không còn vất vả như ngày xưa. Khách đến, chủ nhà bắt cá rô lên nướng trui bất kỳ lúc nào.

 

Sân chim Vàm Hồ, một trong hai trung tâm du lịch lớn của Bến Tre. Trước đây là khu căn cứ cách mạng, nằm ven bờ sông Ba Lai, nay chỉ còn 17 ha, gồm mấy loại cây chính: lá dừa nước, chà là gai và đước. Chỉ có một con đường nhỏ dẫn vào trong. Muốn vào sâu hơn nữa là phải đi bộ. Thích nhất là vào khoảng 4 giờ chiều trở về tối khi chim, cò bay về tổ. Giữa không gian mênh mông này, người mạo hiểm có thể vạch chà là gai hay chen vào đám lá thâm u để nghe tiếng chim kêu trên đầu hoặc ngồi trên thảm cỏ, hay tựa lên gốc cây đặt sẵn ở ven sông mà hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn khoảng trời trên dòng sông Ba Lai nước chảy, xa hơn là cống đập Ba Lai hùng vĩ, hiên ngang chặn một trong chín dòng chảy sông Cửu Long như để chứng minh sức mạnh của con người.

 

Ba Tri có hàng chục km bờ biển, trong đó có gần 20 km bãi biển. Ðiểm hấp dẫn của bãi biển Ba Tri là được hình thành từ các cồn, ngăn cách bởi những con lạch nhỏ, nên mỗi bãi đều có nét riêng rất thú vị. Ðến cồn Nhàn, sau khi đi bộ ngoằn ngoèo qua cồn Giữa, nhiều khách vào hàng dương ngồi nghỉ hít thở khí trời và tắm biển thỏa thích. Ở đây có các món ăn tại chỗ, sản phẩm vừa bắt lên từ biển như nghêu, sò huyết, tôm, cua, trên bờ có đậu phộng (lạc) luộc, khoai lang lùi (nướng) nóng hổi, vừa ăn vừa thổi, rất ngọt, thơm, bùi khó quên.

 

Ðể tạo thuận lợi cho du lịch ở Ba Tri phát triển nhanh, các cấp, các ngành ở địa phương cần có chính sách đầu tư, quy hoạch; mạnh dạn mở rộng hình thức xã hội hóa, để mọi người có điều kiện cùng tham gia. Phát triển được các loại hình du lịch, cùng với cây lúa, chăn nuôi và đánh bắt thủy hải sản, kinh tế Ba Tri sẽ phát triển nhanh. 

Nguồn: website báo Nhân dân

Cùng chuyên mục