Non nước Việt Nam

Phong tục đeo vòng vía cho trẻ em của người Mông (Thái Nguyên)

Cập nhật: 23/06/2011 11:25:01
Số lần đọc: 3584
Vòng bạc không còn là thứ đồ trang sức trong dân gian gắn liền với vẻ đẹp của người phụ nữ mà còn được dùng như chiêc bùa hộ mệnh mang lại sức khỏe, trừ tà mà và kỵ gió.

Phụ nữ miền núi phía Bắc có nhiều loại vòng: Vòng cổ, vòng tay, vòng chân, vòng vía hay vòng đeo tai. Vòng thường được làm bằng kim loại. Quý nhất, đắt nhất là vòng bạc, ngoài ra còn có vòng sắt, vòng đồng (hai loại này thường là vòng vía để giữ hồn, kỵ gió máy, đuổi tà ma) lại có vòng được làm bằng cườm, xâu hạt thành dây để đeo cổ hoặc tay (ở dân tộc Dao, Phù Lá, Tày).

Người Mông quan niệm, trẻ em cần được đeo vòng vía để khoẻ mạnh. Khi trẻ ốm yếu, cúng giải hạn hoặc gửi cửa theo số của nó đều không được thì thầy cúng sẽ xem số và đến nhà làm thủ tục cho trẻ. Nghi lễ đeo vòng vía cho trẻ của người Mông hoa ở Cát Cát tương tự như nghi lễ đeo vòng vía cho trẻ của nhóm người Mông trắng ở Bảo Phố - Bắc Hà. Nghi lễ đeo vòng vía cho trẻ của người Mông như sau: Gia đình chuẩn bị ba vòng cuốn được làm bằng tre có đường kính 1,5m. Sau đó dựng ngoài cửa 1 vòng, giữa nhà 1 vòng và phần giáp bàn thờ 1 vòng. Họ dùng 1 tấm vải trắng dài 12m đặt lên trên vòng tre từ cửa chính vào tới bàn thờ. Mâm cúng đặt ở góc phải, phía dưới bàn thờ bao gồm: 3 đôi đũa, 3 bát cơm, 3 chén rượu, 3 chén nước, 1 con gà luộc, 1 gói muối. Chiêng và kiếm đặt trang trọng trên bàn thờ để thầy cúng thực hiện các nghi lễ. Người nhà còn nhờ một người trung tuổi, con cái khoẻ mạnh đến bế đứa trẻ để tiến hành nghi lễ đeo vòng vía (gọi là người phụ cúng).

 

Khi thầy cúng bắt đầu việc cúng thì đứa trẻ đứng ở ngoài cửa trên mép vải đặt từ giữa cửa đến bàn thờ. Đầu tiên, thầy cúng cho mời tổ tiên của gia đình về chứng kiến việc làm tốt của thầy cúng cho đứa trẻ. Sau đó thầy cúng mời sư tổ của mình về và xin ban cho phép mầu để trừ tà diệt ma. Sau khi trình báo tổ tiên và xin phép sư tổ, thầy cúng mới bắt đầu thực hiện tuần tự các bước: Gõ dồn dập một hồi chuông, hô gọi âm binh; Múa xung quanh nhà. Khi thầy thét lên một tiếng rồi dùng kiếm đâm thẳng xuống đất, ấy là thầy đang giết trừ ma xấu. Còn khi lưỡi kiếm đâm thẳng ra cửa, ấy là thầy xua đuổi, giết trừ ma xấu ra khỏi đứa trẻ.

 

Người phụ cúng sẽ bế đứa trẻ bước vào qua vòng tre thứ nhất. Khi đứa trẻ bước vào trong vòng (qua cửa) thầy cúng bước ra ngoài và chém kiếm xuống đất chỗ đứa trẻ vừa đứng với ý nghĩa là chém ma xấu. Sau đó, thầy cúng đi vào trước bàn cúng, đặt kiếm xuống bàn và cầm chai rượu đổ ra tay vẩy vào đứa trẻ, tượng trưng nước phép vừa trừ ma, vừa rửa hồn vía đã bị ma xấu làm ô uế. Sau đó, đứa trẻ được người phụ cúng cho bước qua vòng thứ 2. Lúc này, thầy cúng ngậm một ngụm rượu phun mạnh vào nơi đứa trẻ vừa đứng và đọc sớ, ý nói, từ nay vía không được theo ma xấu nữa. Một tiếng thét của thầy cúng tức là ma đã bỏ chạy và vía đã nhập vào đứa trẻ. Người phụ cúng hai tay đỡ hai vai trẻ và trẻ nhảy qua vòng tre cuối cùng, thầy cúng lập tức cầm vòng vía (cổ, tay, tai) đeo ngay cho trẻ với ý nghĩa là rào vía cho trẻ. Từ nay, hồn vía trẻ sẽ không bỏ đi chơi và ma xấu cũng sẽ không dám bén mảng đến vì đã có vòng vía là thứ vũ khí để trừ tà diệt ma.

 

Sau phần làm lễ, thầy cúng, phụ cúng và gia đình cùng ăn cơm, uống rượu bình thường. Khi ra về, thầy cúng được tặng một con gà trống và một lít rượu.

 

Vòng vía này đứa trẻ đeo cho đến trọn đời. Trường hợp vòng vía đã đeo tự nhiên rơi hoặc bị mất thì được. Còn nếu người đeo tự tháo ra, vứt bỏ thì ma xấu có thể thâm nhập và sức khoẻ, tính mệnh đứa trẻ có thể gặp điều không lành.
Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT