Non nước Việt Nam

Lễ hội Ok Om Bok - Bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ

Cập nhật: 28/06/2011 16:45:09
Số lần đọc: 3361
Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer, là lễ cúng trăng, tạ ơn và cầu cho mùa màng tốt tươi. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ hội này diễn ra hàng năm vào ngày 15/10 âm lịch, thường được tổ chức tại mỗi phum sóc diễn ra tại sân chùa. Tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng là 2 nơi đông bà con dân tộc người Khmer sinh sống.

Lúc thần Mặt trăng lên cao, dâng cúng các khoản vật của mùa màng nông sản trong năm, vừa thu hoạch như cốm dẹp, chuối, mía..., cầu mong thần Mặt trăng cho năm sau được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt.

Để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, người Khmer thường làm một chiếc cổng bằng tre có trang trí hoa lá, trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần.

Buổi tối ngày lễ hội có diễn ra cuộc thi thả đèn gió, đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, nền tin của người thả, gởi tới thần Mặt trăng và luôn nghĩ đến thần đang nhìn mình, ủng hộ mình.

Đèn gió được làm từ tre, giấy quyến và dây kẽm gồm 2 loại đèn: vuông và tròn, khối đèn tròn thông dụng hơn. Bằng những nan tre chuốt nhẵn, người ta làm thành những vòng tròn có đường kính chừng 1m. Liên kết những nan tròn ấy lại thành khối trụ có chiều cao chừng 2m, tất cả đều được dán kín bằng giấy quyến, đáy đèn để trống và gắn vào đó là 1 “ổ nhện” làm bằng kẽm lớn phủ lớp gòn ta tẩm ướt dầu phộng.

Gòn được đốt cháy, nhiều người nâng đèn lên cao, sức nóng làm giấy căng phồng, người nâng đèn nương tay theo và cùng buông tay khi lực đẩy không khí nóng trong đèn đủ sức để nâng đèn bay lên, mà không chao nghiêng dễ gây cháy. Khi đèn bay lên cao, tiếng reo hò vỗ tay của người xem rộ lên, tiếng nhạc trổi lên làm vỡ òa cả màn đêm buông xuống. Hàng chục chiếc đèn được thả lên bầu trời, đung đưa theo gió, sáng lấp lóa trên bầu trời thật đẹp. Người ta tin rằng những chiếc đèn đã mang đi những tai ương, rủi ro bất trắc để phum sóc yên bình.

Trước ngày Rằm, sẽ có một cuộc đua ghe Ngo - nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước sau mùa gieo trồng về với biển cả. Đây cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ rằng thần rắn Nagar xưa biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông, là một trò chơi dân gian, vừa tỏ sức mạnh vừa tỏ sự đoàn kết. Mọi người dân đủ các thành phần tập trung hai bên dòng sông, nhạc ngũ âm đánh tưng bừng hai bên dòng, các đội đua từ các tỉnh lân cận, huyện trong tỉnh tập trung cùng nhau thi.

Chiếc ghe Ngo thường được làm bằng cây sao hình thù tựa như con rắn, mình thon thon, thoai thoải về hai phía, đầu ghe Ngo uốn cong và thấp hơn sau lái một chút. Ghe Ngo có nhiều cong và có cây cột cặp chặt ở đáy nối dài từ đầu tới lái, được làm bằng cây tràm vừa bền, vừa có độ nhún giúp ghe được vững và nhảy vọt. Trên cong đóng nhiều thanh cây ngang dài độ 1,2m vừa để cho hai người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song.

Ghe Ngo thường có từ 52 đến 54 chỗ ngồi cho người ngồi bơi và chỉ huy. Thân ghe Ngo được sơn màu đen, trên be sơn vệt màu trắng, vàng hoặc đỏ, hai bên vẽ hoa văn Khmer hoặc vẩy rồng, rắn. Đầu ghe vẽ hình con thú biểu tượng cho chiếc ghe Ngo của chùa mình.

Ghe Ngo do địa phương hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại bà con trong phum sóc đóng góp công sức, tiền bạc tạo nên và được bảo quản rất cẩn thận trong chùa. Mỗi năm ghe Ngo được đưa xuống nước một lần vào dịp lễ hội Ok Om Bok. Vì vậy người ta tổ chức lễ hạ thủy rất công phu, ngoài lễ cúng, người Khmer còn tập trung tập dượt rất cẩn thận và siêng năng. Người được chọn để bơi phải là trai tráng khỏe mạnh, quen bơi và bơi có nghệ thuật.

Nguồn: website NTO

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT