Một số nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Dao vùng Tây Bắc
Người Dao ở Việt Nam có nhiều nhóm địa phương khác nhau có tên gọi là Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao lô ngang, Dao tiền, Dao quần trắng... Đàn ông Dao để tóc dài búi sau gáy, hoặc để chỏm tóc trên đỉnh đầu. Y phục thường quần áo ngắn hoặc dài màu chàm. Trang phục của phụ nữ phong phú hơn, hiện vẫn giữ được các nét hoa văn truyền thống. Người Dao có nền văn hoá lịch sử lâu đời và tri thức dân gian rất phong phú, đặc biệt là y học cổ truyền. Họ không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hoá gọi là chữ Nôm Dao. Tiếng nói của họ thuộc ngữ hệ H’Mông - Dao. Người Dao là một cộng đồng cư dân canh tác vào vùng rẻo cao giữa đồi núi. Họ sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và lúa nước với kỹ thuật canh tác khá tiến bộ. Họ vừa làm nương vừa làm ruộng. Xưa kia họ chuyên du canh du cư, nghĩa là sau dăm bảy năm họ bỏ làng bỏ bản đi tìm vùng đất mới. Ngày nay người Dao đã bỏ phong tục đó, xây dựng cuộc sống mới định canh định cư. Vừa phát triển nương rẫy vừa bảo vệ và khai thác rừng hợp lý.
Những phong tục kỳ lạ của người Dao
Đồng bào Dao có nhiều phong tục kỳ lạ như trong hôn nhân, Nam giới phải ở rể từ hai đến ba năm, có khi ở luôn nhà vợ (nếu ở luôn nhà vợ thì phải đổi họ bên vợ). Họ còn có tục dùng bạc trắng để định giá cô dâu, theo nghĩa đen là mua và gả bán, số bạc ấy sau này sẽ là của đôi vợ chồng trẻ. Ngày cưới, cô dâu trang điểm rất đẹp, đội mũ màu đỏ, có hoa văn; cổ và tay đeo nhiều vòng bạc. Ngày cưới, đoàn đưa cô dâu, có cả thầy cúng, và thổi kèn, đánh chiêng, khua trống, rung nhạc. Tới nhà chồng, cô dâu phải qua nhà tạm, khi được giờ thì mới được vào nhà chồng. Lên tới nhà chồng, cô dâu phải “rửa tay”, bước qua chậu than hồng và nhiều nghi thức khác... trước sự chứng kiến của hai họ rồi mới bước qua cửa vào nhà với ý nghĩa là “Từ nay đoạn tuyệt với con ma họ ngoại và từ nay theo con ma họ nhà nội”. Sau khi vợ chồng lấy nhau, khi sinh con đầu lòng thì họ đẻ ngay tại buồng ngủ của mình. Ba ngày đầu, các cửa ra vào đều phải cắm lá kiêng không cho người lạ vào nhà. Gia đình dân tộc Dao tồn tại bền vững theo chế độ phụ quyền, người con gái không có tên trong chúc thư, không được thừa kế tài sản của gia đình.
Về cấu trúc nhà ở của người Dao có ba loại nhà: nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất; nhà ở bằng gỗ, tre, nứa rất chắc chắn, đơn giản nhưng được kết hợp khéo léo toát lên sự kín đáo, tế nhị của người Á Đông. Kiểu nhà truyền thống của người Dao quần trắng là nhà sàn, thường được làm ba gian, cách chắp nối các cấu kiện bằng nguyên liệu rời. Tuy nhiên, họ không phải dùng đinh trong quá trình lắp ghép nhà ở. Kiểu nhà này chỉ có một cầu thang lên xuống, cầu thang có số bậc lẻ; trong nhà thường có hai bếp. Nhà người Dao đỏ làm nửa sàn nửa đất ở lưng chừng đồi. Cách chọn hướng nhà thì cũng như các dân tộc khác.
Tín ngưỡng của người Dao là tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh” mang dấu ấn của Nho giáo và Đạo giáo chính thống. Tư tưởng Nho giáo được thể hiện rõ trong cách phân định tôn ti, trật tự, theo thứ bậc ở mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Đồng thời, Đạo giáo ảnh hưởng bao trùm hầu hết các phong tục tập quán thờ cúng tổ tiên (Bàn Hồ – Bàn Vương), được thể hiện qua lễ đặt tên cho con trai và cấp sắc cho người làm thầy cúng... Người Dao quan niệm khi chết thì chỉ chết về thể xác, còn linh hồn mãi mãi bất diệt “quay về với tiên tổ”.
Về trang phục, so với các dân tộc khác thì dân tộc Dao được coi là còn giữ được nhiều nét bản sắc của mình với chất liệu bằng vải bông nhuộm chàm, màu xanh, đỏ, đen, tím than hoặc để trắng. Tộc người Dao đỏ đội khăn đỏ, đeo những bông hoa đỏ trước ngực; Dao quần chẹt mặc quần ống hẹp bó sát vào chân; Dao quần trắng nổi bật là yếm rất to che kín cả ngực và bụng, ngày cưới cô dâu mặc quần trắng; Dao làn tuyển mặc áo dài, đội mũ nhỏ...
Dân tộc Dao có một nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc thể hiện qua nhiều phong tục, nhiều điệu múa đẹp, nhiều bài hát hay, kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, ca dao, thành ngữ, chiêm tinh, tướng số, câu đố... Nhưng cũng giống các dân tộc thiểu số khác chủ yếu tồn tại dưới dạng truyền khẩu, vốn này ngày nay cũng bị mai một, thất truyền với những lý do khách quan cũng như chủ quan.