Non nước Việt Nam

Lễ đổ đầu - Nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm Hroi Phú Yên

Cập nhật: 13/07/2011 10:26:00
Số lần đọc: 2847
"Lễ đổ đầu cốt tạ ơn Giàng, thần linh đã cho mình sáng cái đầu, mạnh đôi chân, khỏe đôi tay làm ra thật nhiều lúa gạo, của cải..."   Hằng năm, bà con dân tộc Chăm Hroi các buôn Hà Rai, Xuân Lãnh, Phú Tiến, Phú Giang - xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên thường tổ chức lễ cúng đổ đầu (tiếng Chăm Hroi là Quoai chơ ruh a kơh) vào dịp cuối năm (25 tháng chạp). Đây là lễ thức mang đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm Hroi tại Phú Yên đã bao đời nay.

Già làng buôn Hà Rai-Minh Văn Thái, 70 tuổi cho biết: "Không biết nó có từ bao giờ, khi tôi còn bé tí đã thấy dân làng cúng lễ Quoai chơ ruh a kơh như cúng Tất niên hàng năm của người Kinh vậy. Mâm lễ thường là bánh trái, hoa quả, trầu cau, con gà cồ thật to luộc chín, nồi cơm gạo lúa mới, ché rượu cần thật ngon và các dụng cụ sản xuất như rùi, gùi, cuốc, nỏ... đặt ngay ngắn bên ché rượu. Từ mờ sáng tinh mơ trong mỗi gia đình chủ nhà khẩn vái trời đất thần linh xin được về chòi rinh (kho thóc) mang lúa về nấu cơm mới, được lấy bầu nước tinh khiết từ nguồn suối mạch rừng; được cắt tiết gà cồ làm phép đổ đầu cho mỗi thành viên trong gia đình. Dân tộc Chăm Hroi cho rằng qua một năm làm lụng vất vả, kết quả mọi người đủ ăn, đủ mặc là nhờ cái đầu biết tính toán trước sau. Lễ đổ đầu cốt là để tạ ơn Giàng (Trời), thần linh cho mình sáng cái đầu, mạnh đôi chân, khỏe đôi tay làm ra thật nhiều lúa gạo, của cải, vật chất phục vụ cuộc sống ấm no cho gia đình, góp phần xây dựng xã hội vững mạnh".

Đèn sáp ong được thắp sáng và gắn lên cần rượu, mọi người trong gia đình ngồi nghiêm trang bên mâm lễ (nam bên trái, nữ bên phải). Ông chủ lễ (người có uy tín trong làng, trong xã) vừa khấn vừa bốc một nắm gạo vãi lên cào mời Giàng Pơ kơh. Giàng Pơ sưh về tiễn năm cũ sắp hết, mừng năm mới, mừng gia đình mạnh khỏe, nhờ Giàng giúp đỡ, Thần linh phù hộ nên dân làng mới có mùa màng bội thu, được cái no bụng, được xây cái nhà mới khang trang, đuổi đi cái nghèo. Nắm gạo thứ hai vãi lên từ phía mời thần núi, thần sông, mời ông bà, tổ tiên, mời họ hàng Atâu về cùng với con cháu hưởng lễ đổ đầu của gia đình.

Tiếp theo, người chủ lễ lấy chén rượu có pha sẵn tiết gà tươi đổ một vài giọt lên đầu, lên trán người chủ của gia đình rồi tiếp đến các thành viên trong gia đình với sự cầu chúc năm mới mạnh khỏe, sản xuất thật nhiều lúa gạo, nuôi nhiều trâu, bò, dê, heo, gà, vịt... mau lớn, nhiều tiền.

Xong lễ gia đình họ cùng với xóm làng quây quần bên nhau chúc mừng mời nhau rượu cần, chuyện trò râm ran, nhìn lại kết quả lao động của năm qua rút ra bài học kinh nghiệm bổ sung và phương hướng kế hoạch lao động sản xuất của năm mới phải đạt được những kết quả mới. Cũng trong dịp này những gia đình năm cũ có nhiều thành tích, công sức đóng góp xây dựng xóm làng, giáo dục con cái chăm chỉ học hành, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ bạn bè thì được coi là gia đình "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền" sẽ được dân làng tổ chức đội cồng chiêng thôn, buôn đến múa hát chung vui tưng bừng nhộn nhịp suốt ngày như một lễ hội.

Nguồn: website báo Quê Hương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT