Chơi nẻ - Trò chơi dân gian Việt Nam
Bắt đầu chơi từ canh một, em chơi cầm cả nắm đũa và bóng ở một tay, tung bóng lên cao và rải bó đũa xuống rồi đưa tay bắt bóng, không để bóng rơi hoặc nảy lên lần nữa. Sau đó cứ mỗi lần tung bóng thì nhặt một que đến khi hết 6 que thì lên canh hai, mỗi lần tung bóng thì bốc 2 que… đến canh sáu thì bốc cả 6 que. Hết “canh” đến “bó”, đội bạn dồn số đũa lại nhưng để rối, em đang ở lượt chơi phải tung bóng và hốt gọn số đũa dồn sang một tay và dùng tay đó bắt bóng. Đến “rẻ”, rải bó đũa xuống đất, tung bóng lên cao và chia bó đũa làm 2 phần nhưng khi bốc lên không được động vào nửa phần đũa còn lại. Đến “giã gạo”, tung bóng lên rồi cầm cả bó đũa dộng mạnh xuống đất, đến bàn “khẽ”, cũng chia đũa làm hai phần, tung bóng lên rồi đập hai đầu vào nhau sao cho phát tiếng kêu thật giòn. Bàn “gạt” cũng chơi như bàn “khẽ” nhưng không để phát ra tiếng động (sau mỗi lần “giã, khẽ, gạt” đều phải đổi bóng từ tay này sang tay kia). Đến bàn “chuyền”, chuyền đôi hay chuyền đơn tùy theo quy ước của hai bên, vừa chuyền vừa hát bài Qua cầu: Ngắt ngọn rau răm/ Bỏ vô thang thuốc/ Sắc đi sắc lại/ Cho đúng bảy phân/ Chuyền qua ba cái/ Chuyền về ba cái/ Sang cái tay/ Sang cái chân/ Bắt con một nhất. Khi chuyền xong rải bó đũa xuống và tung bóng bắt từng que như đi canh một, nhưng không được động vào que khác, vừa bắt vừa hát: một bắt một/ hai bắt hai… cho đến khi hết đũa. Đến bàn “nẻ” vơ bó đũa đập cả hai đầu xuống đất 6 cái. Đến đây thì kết thúc bàn một đến lượt em khác trong đội chơi. Chỉ khi nào không bắt được bóng hoặc vi phạm luật chơi thì mới đến lượt đội bạn./.