Văn hóa Cơ-tu trong trang phục
Để có được những bộ trang phục đẹp mang bản sắc văn hoá riêng cho dân tộc mình, người phụ nữ Cơ-tu phải tốn rất nhiều công sức. Họ trồng bông, đay lấy sợi rồi tách hạt, tách bông, cán bông, vấn bông, se sợi... các khâu nhuộm cũng không kém phần quan trọng. Để có được màu đỏ, họ lấy từ củ nâu, màu chàm từ cây tà râm, màu vàng từ củ ma rớt cho đến việc dàn cườm để tạo thành những hoa văn trên nền vải như: hoa văn bằng cườm hình hoa Ablơm (hoa tình yêu), hoa văn bằng cườm hình lá Atút (hình chiếc chong chóng), hoa văn bằng cườm hình đàn ông Cơ-tu múa tung tung (múa nam), hoa văn bằng cườm hình thiếu nữ Cơ-tu múa dadá (múa nữ), lá trầu (A bá), dây buộc nhà Gươl (Hơma cating), hoa văn bằng cườm hình hoa rừng (Hơma tơbang), trang sức (ma não)... Họ dệt hoàn toàn bằng thủ công, nhưng những đường nét và các hoạ tiết hoa văn hết sức tinh tế tạo thành dãy hoa văn đặc sắc bằng chì hoặc cườm trắng trên nền vải chàm đen thể hiện tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của người phụ nữ Cơ-tu rất cao.
Váy dài (Cơđơ ớch) của phụ nữ Cơ-tu có chiều dài khoảng 6m được khâu lại thành hai lớp và có chiều dài khoảng 3m có nhiều hoạ tiết hoa văn cách điệu như khố của đàn ông nhưng nhìn chung các hoa văn lại tập trung thành mặt phẳng lớn ở phần dưới của thân váy. Các hoạ tiết hoa văn ở phần thân váy thường đứng riêng lẻ bằng các vạch sọc như: hoa văn Ablơm (hoa tình yêu), lá trầu, dây buộc nhà Gươl, múa dadá ( múa nữ)... màu sắc đơn giản, các hoạ tiết hoa văn được thể hiện dưới dạng hình học hoá. Váy ngắn (O réch) có chiều dài từ 80cm đến 1m, được khâu lại bằng chỉ tạo cho váy có hình ống. Áo cộc tay (A doóh) gồm hai mảnh được khâu lại với nhau có dáng hình cổ chữ V. Tấm choàng (A duông) đây là loại dùng cho đàn ông Cơ-tu mặc vào các lễ hội truyền thống của buôn làng hoặc họ mặc vào những mùa đông giá rét. Tấm choàng cũng được dệt trên nền chàm đen có nhiều màu trắng, đỏ vàng. Trang phục lễ hội của người Cơ-tu nhờ bố cục các hoạ tiết hoa văn thành từng dải, từng mảng và độ chênh lệch cần thiết giữa các dải hoa văn với các màu tương phản trên nền chàm đen của trang phục khiến màu đỏ, vàng, trắng luôn trầm lắng, không rực rỡ sắc màu và cũng không chói chang, tạo nên độ sâu và sự nền nã.
Cũng như nhiều cư dân khác, các dân tộc bản địa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên như: Banah, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Xơ Đăng, Cor, Cơtu... trong quá khứ cũng sử dụng phổ biến loại y phục bằng vỏ cây. Có thể coi đó là loại y phục cổ sơ. Họ chọn lựa một vài chọn loại vỏ cây có kích thước lớn, đập mỏng, phơi khô rồi dùng nguyên một miếng để khoác vào người, giúp chống giá rét và còn thích nghi với một số hoạt động như khi đi khai thác song mây, phát rẫy, cắt lá lợp nhà và đặc biệt là trong khi đi săn bắt ở rừng sâu. Về sau, họ thường lấy vỏ của cây hơ mớt, hơ mon, hơjoong, chrơ dđangơ duông, ta đuých... để làm váy - áo mặc che thân..
Khi nghề dệt của người Cơ-tu phát triển, ở các buôn - làng cây bông vải đã được trồng phổ biến, thì loại vỏ cây nói trên ít khi được người Cơtu sử dụng. Chỉ số ít những người đàn ông nghèo khổ, sống độc thân mới chịu mặc váy - áo vỏ cây. Người Cơ-tu cũng có thể xẻ vỏ cây để làm sợi dệt thành tấm rồi may váy - áo.
Đồ mặc bằng vỏ cây có ảnh hưởng sâu sắc đến tập quán may mặc sau này của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, người Cơ-tu nói riêng và là yếu tố định hình nên truyền thống, phong cách trang phục của các dân tộc. Cho đến nay, về mặt loại hình, kiểu khố, áo, váy, tấm choàng, tấm đắp... của người Cơ-tu không khác cơ bản với kiểu khố, áo, váy, tấm choàng, tấm đắp... làm bằng vỏ cây của tổ tiên họ.