Tranh thờ cúng của người Dao
Nội dung của tranh thể hiện quan niệm của con người thưở sơ khai về vũ trụ và triết lý về mối quan hệ giữa cuộc sống của con người với vạn vật trong vũ trụ theo tục thờ đạo Giáo. Trong đó, thần tiên chính là thế lực vô cùng quan trọng bảo trợ cho cuộc sống của con người và 3 vị thần cai quản ở 3 nơi là Ngọc thanh (thần cai quản trên trời), Thượng thanh (thần cai quản trần gian); Thái thanh (thần cai quản âm phủ) còn được gọi là Tam thanh, là 3 vị có quyền lực tối thượng.
Trong 3 vị thần linh này thì Ngọc thanh có vị trí cao hơn cả và 3 vị này có khi được vẽ độc lập trong từng bức tranh nhưng cũng có khi được vẽ chung với nhau hoặc các vị này được vẽ hòa cùng với hàng loạt các vị thần linh khác như bức "Tổng tinh đàn". Nhưng tựu chung lại thì Tam thanh luôn giữ vị trung tâm trong các bộ tranh thờ của người Dao.
Tranh cúng của người Dao không cần phải thể hiện phối cảnh không gian sâu rộng mà nó được vẽ theo kiểu tranh dân gian như tranh Hàng Trống nên nét vẽ thường tả thực và mầu sắc xanh, đỏ, tím vàng, đen, trắng được cụ thể trong từng họa tiết. Tranh vẽ chân thực theo chủ đề nên chỉ cần giới thiệu một lần là có thể nhớ được ngay.
Chẳng hạn, bức vẽ "Tổng tinh đàn" là bức vẽ mô tả tổng thể các vị thần linh được người Dao tôn thờ, trong đó các vị Tam thanh được đặt ở vị trí trên cùng. Bức vẽ "Thập điện Diêm vương" nói về 10 cửa điện của Diêm vương chỉ có của thứ 10 là cửa luân hồi. Còn lại 9 cửa khác là cửa đều là cửa Diêm vương xử người chết về âm phủ khi sống phạm các tội lỗi tùy theo mức độ nặng nhẹ.
Bức vẽ "Tứ đại nguyên súy" vẽ 4 vị thần trong vũ trụ rất uy phong trong vũ trụ đó là thần mưa, gió, sấm, chớp. Bức tranh vua bếp mô tả sự đông đúc vui vầy của con người đang bày biện những mâm cỗ bàn nhờ sự phù hộ của thần bếp...
Màu sắc của mỗi bức vẽ cũng tùy thuộc vào chủ đề hay nhân vật mà đưa ra những gam màu có đặc thù tương ứng như bức Tam thanh thì gam màu chủ đạo cũng như trang phục của Ngọc thanh là màu xanh da trời, màu xanh lá cây, màu trắng; tranh vẽ Thượng thanh thì chủ đạo là màu xanh lá cây, xanh da trời, nâu sẫm và Thái thanh thì chủ yếu là màu đỏ, đen, vàng, nâu. Điểm chung nữa trong các bức tranh vẽ thần linh là các họa công đã rất nỗ lực để tạo nên vẻ mặt khác nhau của mỗi vị thần linh nhưng đều thể hiện được nét uy vũ trên nền hào quang.
Hiện nay có người vẫn lưu giữ được những bộ tranh cúng của người Dao có niên đại tới vài trăm năm và có giả thuyết cho rằng nó đồng thời với quá trình các nhóm người Dao thiên di về phương Nam. Tuy nhiên, phổ biến nhất là những bộ tranh có niên đại từ vài chục năm đến ngót trăm năm.
Tranh cúng của người Dao rất coi trọng đến chất liệu giấy, màu bền và vẽ đẹp (kiêng thờ cúng tranh cũ màu) nên trước kia, khi nghề tranh Hàng Trống vẫn còn phát triển thì người Dao phải mang tranh về tận Hà Nội để thuê sao chép lại. Khi cúng xong người Dao gói tranh thật kĩ treo lên xà nhà gần gian bếp lửa để tránh ẩm mốc dễ hư hỏng.
Ngày nay do chất liệu giấy, màu vẽ đã sẵn hơn, tốt hơn và trong cộng đồng người Dao cũng có nhiều người được học vẽ bài bản hoặc có năng khiếu vẽ lại làm nghề thầy cúng nên ở nhiều nơi người Dao đã tự vẽ lấy tranh cúng. Đặc biệt là tranh thờ ngày tết thì không thể nhờ các họa sỹ hay họa công truyền thống vẽ được bởi loại tranh này phải vẽ dựa vào ý tưởng của chủ nhà và thủ tục để vẽ tranh cũng khá phức tạp.
Thông thường, loại tranh này được vẽ trước tết Nguyên đán vài tháng và người muốn vẽ tranh phải đến nhờ các thầy cúng biết vẽ trong cộng đồng dân tộc của mình. Thầy cúng nhận lời rồi mới chọn ngày đẹp hợp với tuổi của người nhờ vẽ thì mới làm lễ xin thần linh cho khai bút. Tranh vẽ xong thầy cũng chọn ngày tốt để treo tranh và làm lễ khai quang cho tranh thì tranh mới linh thiêng.
Trong các nghi lễ thờ cúng của người Dao, dù là lễ cúng có quy mô của một gia đình nhưng luôn tập trung rất đông bà con trong dòng họ, làng bản. Các bức tranh cúng thường treo kín trên vách nhà được những người hiểu biết về nội dung chỉ dẫn cho người chưa biết. Điều đó đã tạo được sức lan tỏa trong giáo dục con người nâng cao nhận thức về thế giới quan về vũ trụ và mối quan hệ chặt chẽ giữa vạn vật hữu linh. Nó cũng mang lại niềm tin cho con người vào thế giới tự nhiên để hướng tới giá trị cốt cách hướng thiện của con người.
Chẳng hạn như tranh vẽ "Tam thanh" luôn cho người ta tin tưởng vào các vị thần linh có sức mạnh siêu nhiên luôn bảo trợ cho con người. Bức vẽ "Vua bếp" cho người ta niềm tin nếu như chú trọng tôn thờ vị thần này sẽ có cuộc sống sung túc, no đủ.
Bức vẽ "Tứ trực ông Tào" cho người ta yên tâm hơn khi có 4 vị thần linh này luôn túc trực quanh con người để hễ có điều xấu xảy ra là các vị sẵn sàng bẩm báo Ngọc hoàng lệnh cho các thần linh ứng cứu. Cho dù việc chấp pháp có vẻ hơi tàn bạo nhưng nội dung bức vẽ cho thấy thần linh chấp pháp với con người rất nghiêm khắc cả khi sống đến lúc chết. Vì thế, khi sống trên trần gian con người phải luôn luôn hướng đến mọi hành vi tu thân tích đức, hành thiện.
Với những ý nghĩa đó, nếu gạt bỏ đi yếu tố mang sắc màu mê tín dị đoan thì ta sẽ thấy nội dung trong tranh thờ cúng của người Dao chứa đựng nhiều giá trị giáo dục tính nhân văn cho con người. Vì thế, tục thờ tranh dân gian liên quan đến đạo Giáo được người Dao bảo tồn từ đời này qua đời khác.