Cao lầu, nét đặc sắc của ẩm thực phố Hội
Cao lầu là món ăn độc đáo, hấp dẫn. Không phải chỉ bởi tên gọi mà còn bởi nguyên liệu, hương vị. Thoạt nhìn, cao lầu giống như món mỳ, ấy vậy mà không phải. Cao lầu có sợi hình chữ nhật, to chứ không nhuyễn như bún, như phở. Tinh túy của món ăn là sợi cao lầu được ngâm trong nước tro, chế biến rất công phu.
Đặc biệt, loại tro này phải lấy từ thứ củi tận Cù Lao Chàm, cách Hội An 16km thì mới được loại mì ngon. Gạo tuyển chọn đem lọc kỹ, sau đó xay thành nước bột. Dùng vải bọc nhiều lần cho bột khô, dẻo, cán bột thành từng miếng vừa cỡ, xắt thành sợi mì, rồi đem hấp nhiều lần, phơi phô. Vì được chế biến công phu nên cao lầu có thời gian bảo quản rất lâu.
Cao lầu không phải món ăn nóng mà là món ăn nguội. Khi được chế biến, cao lầu được tráng qua nước sôi nhưng khéo léo cho sợi mì giữ độ dai, giòn. Trong món cao lầu có 3 loại rau cơ bản như: cải non, tần ô và rau đắng. Kể đầy đủ rau sống dùng trong món cao lầu có tới 12 loại rau như: rau thơm, rau quế, rau răm, rau đắng, ngò, giá, xà lách, diếp cá, cải con, bắp chuối, dưa leo, khế chua.
Cao lầu được bày trí đẹp mắt với màu vàng của sợi mì, màu hồng của tôm, thịt xá xíu, màu xanh của rau. Khi thưởng thức cao lầu phải trộn thật đều cho thấm gia vị. Điều đặc biệt nữa của cao lầu là món ăn không có nước dùng, chỉ có hai, ba thìa nước sốt nên giữ được hương vị béo ngậy, đậm đà.
Khi ăn, cao lầu có cảm giác sựt sựt của sợi mì, hương thơm của mắm, nước tương và ngầy ngậy của tép mỡ hòa cùng vị thơm ngọt của tôm, thịt xá xíu, đủ mùi vị cay, đắng, chát của rau sống. Ngày nay, khi tới với Hội An, tuyệt vời nhất là được ngồi trên lầu cao mà thưởng thức cái không gian của phố cổ như hội tụ trong bát cao lầu độc đáo.