Hành trang lữ khách

Về Phú Lạc (Bình Thuận) dự lễ hội Pô Tằm

Cập nhật: 25/07/2011 14:30:18
Số lần đọc: 2677
Cứ vào tháng 6 âm lịch hằng năm (tháng 7 dương lịch),  đồng bào Chăm xã Phú Lạc, Tuy Phong lại tổ chức lễ hội Pô Tằm, bày tỏ lòng biết ơn đất trời, các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho dân làng cuộc sống luôn bình yên, mưa thuận gió hòa.

Lễ hội Pô Tằm năm nay diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu dân làng cùng nhau gói bánh (bánh tét các loại, bánh khô…), ngày thứ hai là lễ chính thức và ngày sau cùng là hội. Sư cả Thường Xuân Hữu, chủ lễ cho biết “Ngày trước, lễ hội Pô Tằm diễn ra hàng năm, nhưng nay 3 năm mới tổ chức một lần. Lễ hội là dịp để dân làng tưởng nhớ đến vua Pô Đam, vị vua trị vì Vương quốc Chămpa từ năm 1433 - 1460, có công giúp dân làm các hệ thống thủy lợi nổi tiếng trong vùng”... Theo quan niệm của người Chăm, đền tháp là nơi trú ngụ của thần linh, tin rằng, thần linh luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu lòng người. Lễ hội là một sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng, ngoài ý nghĩa tưởng nhớ công đức Pô Tằm, lễ hội còn là dịp để dân làng chúc mừng, thăm hỏi lẫn nhau, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

 

Nhóm đền tháp Chăm Pô Đam (còn gọi là Pô Tằm) tọa lạc dưới chân núi Ông Xiêm, xã Phú Lạc, có niên đại nửa cuối thế kỷ VIII – đầu thế kỷ IX,  thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai.. Nhóm đền tháp này bao gồm 6 tháp, hiện nay chỉ còn lại 3 tháp tương đối nguyên vẹn, còn 3 tháp khác bị sụp đổ.  Hiện những dòng tộc là hậu duệ của vua còn lưu giữ 8 sắc phong do các vua triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Ðịnh phong tặng. Tháp Pô Ðam là nơi thực hiện nghi lễ, thờ cúng vua Chăm hàng năm của người Chăm Phú Lạc,  được Nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996.

8 giờ sáng  lễ bắt đầu. Tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng bập bùng vang lên, những thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống, xếp thành hai hàng đường lên chân tháp thể hiện những vũ điệu Chăm đặc sắc chào đón khách thập phương, các vị chức sắc trong làng lên tháp. Nhiều du khách tỏ ra rất thích thú vì được tham dự, cũng như chứng kiến các nghi thức trang trọng của lễ hội. Bà Nguyễn Thị Thanh, một du khách Tp.HCM  cho hay: “Đây quả thực là một lễ hội rất đặc sắc”.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục