Nghệ An bảo tồn lễ hội dân gian gắn với cư dân miền biển
Đền Vạn Lộc, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia, là nơi thờ Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi - người đã có công chiêu dân, lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc cách đây 505 năm. Để tưởng nhớ công ơn của ông, sau 3 năm ông mất, nhân dân nơi đây đã xây dựng đền thờ để tưởng niệm.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhân dân vùng biển Cửa Lò lại long trọng tổ chức Lễ hội đền Vạn Lộc để tưởng nhớ công ơn Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi và cầu cho sóng yên, biển lặng, mùa màng bội thu góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, cùng với việc tế thần, nhân dân vùng Vạn Lộc mở hội rước sắc và tổ chức đua thuyền truyền thống, giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao nhằm ôn lại không khí hào hùng của các tướng sĩ thời nhà Lê ra quân trấn giữ biên ải, đồng thời làm nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó chủ tịch UBND phường Nghi Tân cho biết: “Việc tổ chức Lễ hội đền Vạn Lộc đã đáp ứng được nguyện vọng văn hoá tâm linh của nhân dân vùng biển Cửa Lò và du khách thập phương. Thông qua Lễ hội còn góp phần tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch Nghệ An nói chung, du lịch biển Cửa Lò nói riêng và giới thiệu bản sắc văn hoá truyền thống của con người, thiên nhiên, các điểm, tour, tuyến du lịch và các sản phẩm du lịch Cửa Lò tới du khách trong và ngoài nước”.
Lễ hội đền Vạn Lộc chỉ là một trong hàng chục Lễ hội dân gian gắn với cư dân miền biển được diễn ra hàng năm ở Nghệ An. Lễ hội dân gian gắn với cư dân miền biển Nghệ An nhiều về số lượng, phong phú về loại hình, đa dạng về đối tượng tín ngưỡng. Hầu như tháng nào trong năm trên địa bàn Nghệ An cũng diễn ra lễ hội lớn nhỏ, tập trung nhất vẫn là mùa xuân, có lễ hội thu hút nhiều người, không chỉ trong địa phương mà còn từ nhiều vùng, miền khác đến tham dự như Lễ hội đền Vạn Lộc (Cửa Lò), Lễ hội đền Cờn (Quỳnh Lưu)…
Nghệ An là khu vực trung gian, có rất nhiều đền, miếu thờ thần biển như Tứ vị thánh nương, Hà Bá, Long Vương, cá Ông… nhưng từ thời phong kiến, hầu như các nghi lễ thờ cúng đều thuộc vào quy chế tế tự của triều đình phong kiến. Các miếu, đền ven biển Nghệ An có thiết chế văn hoá phong phú, chặt chẽ, mang dáng dấp quen thuộc của một làng quê nông nghiệp truyền thống, bởi thế các lễ hội đi vào cuộc sống cư dân hết sức tự nhiên.
Từ cuộc sống sinh động, ngư dân đã sáng tạo linh hoạt lễ hội phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp và đáp ứng đời sống văn hoá, tinh thần, tâm linh của mình. Lễ hội dân gian gắn với cư dân miền biển không chỉ cuốn hút ở sự tưng bừng náo nhiệt mà còn bởi những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: lễ tế, rước, trò vui, hát xướng, thả cá… Lễ hội dân gian gắn với cư dân miền biển hướng đến đối tượng thiêng liêng. Đó là những thiên thần và nhân thần mà thực chất là hình ảnh hội tụ và kết tinh những phẩm chất cao đẹp của những người đi tiên phong khai hoang mở làng mở nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm hay có công chống thiên tai, cải tạo thiên nhiên, xây dựng cuộc sống. Đặc điểm nổi bật của lễ hội dân gian là gắn liền với nghề nghiệp xưa của ngư dân nơi đây, trong đó có nghề đánh bắt hải sản.
Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn xã hội hoá, thời gian qua, tỉnh Nghệ An không ngừng chăm lo trùng tu, tôn tạo các di tích miếu, đền ven biển. Trong đó, việc giữ gìn các di sản, hiện vật (đồ tế khí trong miếu, đền) nguyên hiện trạng là việc quan trọng hàng đầu. Song song đó là công tác tập huấn cho đội ngũ quản lý các di tích, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội như tổ chức các lễ hội đúng với nghi thức truyền thống và đúng với ý nguyện của nhân dân. Bởi thế, nhân dân đến với lễ hội dân gian miền biển ngày càng nhiều. Những biểu hiện không lành mạnh như mê tín dị đoan, đốt vàng mã, thắp hương nơi thờ tự, vệ sinh môi trường trước, trong và sau lễ hội được các ngành chức năng quản lý chặt chẽ.
Ông Phan Hữu Lộc, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ trả lại việc tổ chức lễ hội dân gian trở về đúng nguyên nghĩa cho nhân dân, tỉnh chỉ quản lý về mặt nhà nước. Như vậy, tỉnh đã tạo mọi điều kiện để nhân dân đến với lễ hội dân gian, hưởng thụ các giá trị văn hoá tâm linh, làm phong phú thêm đời sống vật chất cũng như tinh thần.