Hoạt động của ngành

Hà Giang: Tổ chức Festival Khèn Mông năm 2011

Cập nhật: 10/08/2011 09:51:22
Số lần đọc: 3210
Festival Khèn Mông sẽ chính thức diễn ra trong hai ngày 21- 22/8/2011 tại trung tâm huyện Đồng Văn, một trong bốn huyện thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu.

Đồng chí Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Trưởng ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn tỉnh Hà Giang năm 2011 cho biết: Việc tổ chức Festival Khèn Mông gắn với các hoạt động của Tuần văn hóa du lịch Ấn tượng Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển quảng bá các danh thắng du lịch tỉnh Hà Giang. Dự kiến sẽ có khoảng 300 nghệ nhân, diễn viên tham gia biểu diễn tại lễ hội này.

Điểm nhấn của Festival Khèn Mông sẽ là chương trình chào mừng khai mạc Festival với tựa đề “Vũ điệu khèn Cao nguyên” và “Thi liên hoan khèn Mông”. Các tiết mục cụ thể gồm: Sự tích tình khèn, Tiếng khèn âm vang cao nguyên, Giai điệu ngày mới, múa khèn Mông, công bố kỷ lục Guiness Việt Nam về cây khèn Mông to nhất...

Festival Khèn Mông lần thứ nhất năm 2011 nhằm khuyến khích, từng bước sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy thể loại nghệ thuật nhạc cụ khèn Mông như: múa khèn, thổi khèn và các bài khèn truyền thống, bài khèn mới.... Qua đó, gìn giữ, bảo tồn được nét đẹp nhân văn của cây khèn Mông, phát huy tính năng tốt đẹp riêng có của nó trong cộng đồng dân tộc Mông, góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền văn hoá các dân tộc Hà Giang. Đồng thời, nhằm khơi dậy phát huy loại hình nghệ thuật khèn Mông để tổ chức tốt các nghi lễ tín ngưỡng văn hóa dân tộc truyền thống và các hoạt động văn hoá cộng đồng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn.

Ở Hà Giang, người Mông có dân số đông nhất, với hơn 190.000 người, phân bố chủ yếu ở các huyện vùng cao phía Bắc là: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và hai huyện phía Tây là Xín Mần và Hoàng Su Phì. Đối với người dân tộc Mông, khèn Mông gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng này. Hình thức nghệ thuật này thường được sử dụng trong hai trường hợp: trong đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; trong vui chơi để thi thố tài nghệ, bộc lộ ý chí, nghị lực của con người trong sinh hoạt cộng đồng.

Tiếng khèn Mông thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn. Những âm thanh của loại nhạc cụ này mang vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Mông. Chính vì thế, tiếng khèn không những chiếm được cảm tình của hầu hết đồng bào Mông, mà còn làm say lòng những ai một lần được thưởng thức. Đặc biệt, sức hút của loại nhạc cụ dân dã này đã từng khiến không ít học giả, nhạc sỹ phải dày công nghiên cứu sưu tầm, trở lành một nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc miền núi.

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục