Bình Thuận: Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm kết nối tour phục vụ du khách
Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm tọa lạc ngay bên cạnh Quốc lộ I, thuộc địa phận làng Chăm (Palei Dhaong Panan), nay là thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết hơn 65km về hướng Nam. Với kiểu mô phỏng theo kiến trúc tháp Chăm, Trung tâm trưng bày có tất cả 389 hiện vật các loại thuộc các chất liệu (Compusic, kim loại, gốm, mộc, vải) như các tượng thần Siva, vũ nữ Apsara, vua Po Rome, Po Anit…Quan trọng hơn là bộ sưu tập hiện vật của Hoàng tộc Chăm Po Klong Mưnai vào thế kỷ 17 đã trở thành điểm nhấn của gian trưng bày.Đây là bộ sưu tập duy nhất còn lưu lại trong vương triều cuối cùng của Champa bao gồ tượng Vua, Hoàng Hậu, bộ ấn kiếm, trang phục, mũ vệ binh và những vật dụng cúng lễ như khay trầu, mâm lễ, lư đốt trầm…Giá trị nhất là bộ vương miện làm bằng vàng với những nét hoa văn chạm khắc hình tượng con Makara uốn lượng rất độc đáo. Những hiện vật trên đã được hoàn chỉnh nội dung Etyket gồm 3 loại chữ (chữ Chăm, Quốc ngữ và Anh ngữ) để giới thiệu cho khách tham, nghiên cứu. Ngoài ra Trung tâm còn trưng bày 159 hiện vật thuộc chất liệu ảnh nhằm mô tả, tái hiện lại những lễ hội, phong tục tập quán của cộng đồng người Chăm Bình Thuận.
Trung tâm là một điểm tham quan mới thành lập, gắn với chức năng nhiệm vụ là Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của người Chăm trên địa bàn Bình Thuận để giới thiệu đến khách tham quan, nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong dịp tết Katê năm 2011 vào ngày 27 và 28 tháng 9 sắp tới, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm chuẩn bị kế họach tổ chức hoạt động nhiều loại hình văn hóa Chăm. Ngoài hoạt động của gian trưng bày hiện vật, Trung tâm còn mời nghệ nhân Đơn Thị Hiệu là người làm gốm nổi tiếng ở làng Trì Đức xã Phan Hiệp, nghệ nhân đã từng được mời đi trình diễn Gốm tại đất nước Nhật Bản vào dịp hội chợ Quốc tế vào năm 1992. Cùng với nghệ nhân Dệt bà Đào Thị Sâu ở làng Minh Mỵ xã Phan Hoà đến trình diễn thường xuyên tại gian làng nghề để phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, Trung tâm còn mời thêm 04 nghệ nhân giỏi nghề Gốm của làng Bầu Trúc tỉnh Ninh Thuận đến giao lưu thi thố tay nghề có trao giải thưởng từ phiếu bình chọn của Du khách, chắc chắn những nghệ nhân này sẽ làm cho du khách hết sức ngạc nhiên và thán phục với đôi bàn tay khéo léo của mình đã thổi hồn vào các lọai sản phẩm Gốm làm ra hết sức xinh đẹp và độc đáo.
Bên cạnh, tại đây còn tổ chức dịch vụ văn hóa ẩm thực với những món đặc sản của người Chăm như thịt Dê 03 món ( Dê luột ăn với rau Gém sạch, Dê lụi, Cari Dê) cùng với món Gà nướng ăn với bánh “Chà- cung” rất thơm ngon sẽ làm cho Qúy khách thật sự hài lòng. Trong khi ăn, quý khách còn được thưởng thức một Chương nghệ thuật dân gian Chăm nguyên gốc hết sức độc đáo do các nghệ nhân nổi tiếng thuộc Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm Bắc Bình biểu diễn, như nghệ nhân Đa Toàn một mình biểu diễn 02 cái trống Ginang rất sôi động, thầy hát Kanhi ( Ong Kadhar) Đàng Minh với làn điệu Thánh ca rất hùng hồn, nghệ nhân thổi kèn Saranai Thổ Đồng với nghệ thuật lấy hơi rất điêu luyện, thổi nhiều giai điệu mượt mà với hơi dài đến hơn cả tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy mệt. Ngòai ra du khách còn được hòa mình chung với không gian lễ hội Katê đầy sắc màu lộng lẫy của các vị chức sắc và những cô gái Chăm duyên dáng, đầu đội thôn hala với những cánh quạt Biyén uốn lượn xoe tròn như gọi mời ngày hội Katê. Chính vì lẻ đó mà hoạt động của Trung tâm đã thu hút hơn 7000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu trong thời gian qua...
Hấp dẫn hơn nữa, sau khi du khách tham quan các họat động tại điểm Trung tâm, Qúy khách sẽ được hướng dẫn viên đưa đi thắp hương cầu lộc, cầu tài, tại các Đền thờ Vua Chăm như: Đền thờ Po Anit tại Thôn Bình Hiếu xã Phan Hiệp (cách Trung tâm khoảng gần 1km về hướng Đông), đền thờ Po Klong Mưnai tại thị trấn Lương Sơn- Bắc Bình, đền thờ Po Yang Thok (nơi xuất thân của Vua Po Rome) tại thôn Hòa Thuận- Thị trấn Chợ Lầu - Bắc Bình và đặc sắc nhất là Bộ sưu tập kho mở Hòang tộc Chăm ở làng Tịnh Mỹ xã Phan Thanh hiện còn lưu giữ nhiều báu vật có giá trị. Đến đây Du khách còn được dịp chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đền thờ Vua Chăm ở giai đọan thế kỷ XVII. Đồng thời, được trực tiếp tham gia cùng hòa mình vào các nghi lễ, hội hè, nổi bật nhất là lễ hội Katê được tổ chức hàng năm tại các đền thờ này vào đầu tháng 7 lịch Chăm.
Tất cả những bộ sưu tập hiện vật trên được trưng bày và các hoạt động văn hóa phi vật thể của Trung tâm ít nhiều cũng đã phản ánh được diện mạo, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Chăm của Bình Thuận từ giai đoạn cuối cùng của Vương triều Champa cho đến ngày nay. Những bộ sưu tập ấy đã tạo dệt nên một bức tranh văn hóa Chăm đa sắc màu, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam. Có thể nói rằng, du khách sẽ được thỏa mãn tính hiếu kỳ khi đến tham quan nghiên cứu tại điểm Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận trong dịp Katê này.