Đình Hậu Bổng (Hải Dương) - Nơi thờ 5 vị Thành hoàng
Hậu Bổng là một thôn thuộc xã Quang Minh, huyện Gia Lộc (Hải Dương) tục gọi là làng Bóng, vì vậy đình Hậu Bổng còn có tên gọi là đình Bóng. Là mảnh đất có bề dầy lịch sử, với vị trí giao thông thuận lợi, Hậu Bổng xưa nằm trên đường kinh lý của các triều đại phong kiến Việt Nam, vì vậy tên gọi Trạm Bóng, chùa Quang Minh là những thiết chế văn hoá, kinh tế được xây dựng từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI – XIV). Trạm ở đây chính là trạm dừng chân của các đoàn đi kinh lý qua đây.
Đình Hậu Bổng được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Kết quả khảo cổ cho thấy chùa Quang Minh là một trong những ngôi chùa cổ kính của tỉnh Hải Dương. Nhiều hiện vật thời Lý- Trần được phát hiện ở đây làm phong phú sưu tập hiện vật Lý- Trần trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Thế kỷ XIX Hậu Bổng là một xã thuộc tổng Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Sau năm 1946 xã Quang Minh mới ra đời, hiện xã có 5 thôn với 17 dòng họ cư trú. Xưa kia làng nào cũng có di tích lịch sử nhưng đến nay chỉ còn đình Hậu Bổng là di tích được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Đình Hậu Bổng hiện thờ 5 vị Thành hoàng (3 vị nhân thần và 2 vị thiên thần), điều đó có thể giải thích rằng ban đầu các vị Thành hoàng được thờ rải rác trong các di tích tại địa phương, nhưng do lịch sử thay đổi với những nguyên nhân khác nhau, các vị thành hoàng được nhân dân Hậu Bổng rước về thờ tại đình làng. Năm vị Thành hoàng có lịch sử như sau:
Vị Thành hoàng thứ nhất là Nguyễn Chí Thành, hiệu là Minh Không Thiền Sư- nguyên là một cao tăng thời Lý (1010 - 1225), hành trạng của Nguyễn Chí Thành có nhiều giai thoại trong nhân dân và thường bị nhầm lẫn giữa Minh Không Thiền Sư và Không Lộ Thiền Sư.
Sau khi khảo cứu các nguồn tư liệu, thư tịch và chính sử, chúng ta có thể hiểu về nhân vật này: Quê Nguyễn Chí Thành ở làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), ông sinh vào năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự đời Lý Thánh Tông (1066), tu ở chùa Quốc Thanh, sinh thời là người thông minh, từng theo Từ Đạo Hạnh học đạo và tu hành hơn 40 năm được tin cậy. Khi Từ Đạo Hạnh viên tịch, Minh Không trở về quê làm ruộng không cầu danh tiếng. Đến năm 1136 vua Lý Thần Tông (Dương Hoán) bỗng bị bệnh kỳ dị, nhiều danh y chữa chạy đều không khỏi, được tin Minh Không tự tìm đến và dùng tài y thuật của mình chữa khỏi bệnh cho vua, được vua phong cho làm Quốc Sư và thưởng cho mấy trăm nóc nhà (hộ) lấy thuế mà sinh sống. Ông qua đời vào năm Đại Định thứ 2 (1141) ngày 8 tháng Giêng thọ 76 tuổi, môn đồ của ông dựng tháp và tô tượng ở chùa Duyên Phúc phụng sự. Đương thời ông là người có công đào tạo nhiều tăng sĩ và chở đạo xây cất nhiều chùa lớn trong nước. Đối chiếu với lịch sử địa phương, chùa Quang Minh là một trung tâm phật giáo lớn được xây dựng vào thời Lý- Trần. Rất có thể thiền sư Minh Không từng tới đây giảng đạo và với tài đức của ông nhân dân nơi đây tôn ông làm thành hoàng. Đây cũng là vấn đề lịch sử cần được tiếp tục nghiên cứu.
Vị Thành hoàng thứ hai có tên Đông Hải Đại Vương, thần tích cho biết ngài là con thứ 7 của Lạc Long Quân, sinh vào ngày 10 tháng Giêng, hoá ngày 12 tháng 05. Năm Khải Định thứ 2(1917) và thứ 9 (1924) được triều đình ban sắc phong Thượng đẳng thần và cho nhân dân Hậu Bổng cũng như nhiều nơi khác thờ vọng tại đình.
Vị Thành hoàng thứ ba có tên là Nam Hải Đại Vương, ngài là con thứ 8 của Lạc Long Quân, sinh vào ngày 10 tháng Giêng, hoá ngày 11 tháng 5. Năm Khải Định thứ 2 (1917) và thứ 9 (1924) được triều đình ban sắc phong Thượng đẳng thần và cho nhân dân thờ vọng tại đình.
Vị Thành hoàng thứ tư và thứ năm: Hai vị này vốn là thiên thần. Tương truyền vào năm Gia Long thứ 5 (1806) làng Hậu Bổng tự nhiên bị hoả hoạn và phát bệnh dịch tả hết sức điêu đứng. Sau khi dân làng lập đàn mật tấu lên thiên đình thì đến rằm tháng 5 âm lịch chợt có hai ngôi sao hoả tinh rơi xuống xứ Cẩm Kê sáng loé rồi tắt, dân làng đem lễ vật ra cúng tế, sau đó mới biết là hai vị thần:
- Thiên tướng tam danh quốc triều Đại vương
- Nhất vị tinh lầu Đại đô
Dân làng đã lập bàn thờ lộ thiên ở giữa làng, sau rước về đình làng để tôn thờ.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Hậu Bổng là cơ sở kháng chiến đáng tin cậy của địa phương, tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động của Đảng và chính quyền như: Tổ chức mít tinh chào mừng ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu quốc hội năm 1946, nơi thành lập đội tự vệ nam Gia Lộc, nơi sơ tán của Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Hải Dương năm 1947... Nhân dân Hậu Bổng đã có nhiều công lao trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ kháng chiến.
Cũng như nhiều di tích khác của tỉnh Hải Dương, lễ hội đình Hậu Bổng mang nét đặc thù của địa phương, căn cứ hương ước làng Hậu Bổng năm 1936 và các cụ cao tuổi kể lại thì phong tục lễ hội đình có thể tóm tắt như sau: Hàng năm tại đình có tế lễ dịp tết nguyên đán 3 ngày, lệ vào đám gồm 7 ngày (từ mùng 9 đến 15 tháng Giêng):
- Lễ khánh kỵ Vương Phụ ngày 21 tháng 2
- Lễ khánh kỵ Vương Mẫu ngày 11 tháng 3
- Lễ khánh kỵ Đông Hải ngày 12 tháng 5
- Lễ khánh kỵ Nam Hải ngày 11 tháng 8
Lễ vật gồm: Xôi, gà, trầu, rượu, hoa quả... được làm từ sản vật của địa phương.
- Lễ khánh kỵ các vị hậu vào ngày 16 tháng 8.
Lễ khao vọng ở đây được chia 6 hạng từ lính lệ đến Thượng thư (nếu có) theo phẩm hàm, chức sắc, tất cả đều phải nộp tiền cho làng, khao từ 3 đến 30 đồng, vọng thì 1 đồng đến 10 đồng, nếu không nộp tiền khao vọng thì không có thứ vị trong đình. Trong trường hợp việc công ích phải chi nhiều thì hương hội có thể bán thứ vị trong phạm vi hương thôn và phải được quan trên cho phép. Việc bố trí thờ tự tại đình tương đối hợp lý giữa nhân thần và thiên thần vừa mang tính dân gian vừa linh thiêng trang trọng.
Đình Hậu Bổng được xây dựng trên mảnh đất bằng phẳng, thoáng mát, kiến trúc hiện còn kiểu chữ Đinh ( J ) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Nhìn tổng thể có kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX), toà đại bái kết cấu lòng thuyền giá chiêng với 4 vì chính, toàn bộ phần gỗ được 24 cột lim vững chắc đỡ, vì giữa từ trên xuống kiểu “Thượng tứ hạ ngũ”, đấu vuông, guốc nóc khắc chữ “Thọ”, câu đầu khớp mộng, đầu dư và xà dọc bào soi vỏ măng, mộng măng cá, kết cấu ngang khung có sự thay đổi, ở phía trước có 3 con chồng, chồng khớp lên nhau, được chạm khắc đề tài “Tứ Linh” tinh xảo, xà nách gối đầu bẩy đỡ mái hiên trước, phía sau thay cho 3 con chồng, chồng khít lên xà nách được các nghệ nhân thế vào đó một đôi chạm “Tứ linh”. Điều đặc biệt là ở đây dù là không gian thờ tự nhưng các nghệ nhân vẫn dành chạm những nhóm sinh vật thông thường như cua, cá nô giỡn trên sóng thuỷ ba, nghê đánh đàn, thổi sáo, rùa trùm lá sen, chim sẻ đậu trên cánh hoa sen ngộ nghĩnh vui mắt. Đó cũng là đề tài thường thấy trong kiến trúc đình làng Bắc Bộ, điều này thể hiện tinh thần dân chủ, cởi mở của người dân nông thôn Việt Nam.
Hai bên vì do hai hiệp thợ làm, một bên chạm độc long cài lá lật, trên bức cốn bên kia chạm 3 lân múa chầu. Tuy mỗi hiệp thợ đều tạo cho mình một phong cách riêng, nhưng đều bảo đảm tính trang nghiêm và không kém phần sinh động cho toàn bộ công trình.
Các kỹ thuật khớp mộng và giải pháp kỹ thuật liên kết dọc, ngang tạo ngôi đình đẹp ngoạn mục và vững chắc kết cấu dọc của kiến trúc đình nối 4 khung vì với nhau tạo ra thế cân đối. Hai gian dĩ làm kiểu chồng rường đơn giản.
Một điều đáng lưu ý nữa là trong không gian thờ tự, các nghệ nhân tạo 3 bức cửa võng ở 3 gian giữa toà đại bái và đều được chạm đề tài hoa cúc dây với nhiều kiểu dáng phong phú trang trọng làm nổi bật sự cổ kính trầm mặc của gian thờ tự.
Ba gian hậu cung có 4 vì thì mỗi vì đều xử lý kiến trúc riêng như chồng rường, cốn mê, cửa cấm được chạm lộng tứ linh, cửa nách chạm “Lão mai”, “Lão cúc hoá rồng”, cửa cấm chạm chim phượng chầu.
Vượt qua mọi thăng trầm của lịch sử., đình Hậu Bổng là một di tích được bảo tồn khá tốt, ngoài các mảng chạm khắc tinh xảo mang dấu ấn đương thời, đình còn bảo lưu nhiều cổ vật có giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật, tiêu biểu là: Pho tượng Minh Không thiền sư Nguyễn Chí Thành, tượng cao 98cm, vai rộng 33cm, được tạc vào thế kỷ XIX, tư thế ngồi ung dung đĩnh đạc, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo triều phục có trang trí rồng chầu mặt nguyệt, tay phải đặt ngoài, tay trái cầm hốt biểu thị cho quyền năng, chân đi hia mũi cong. Đây là một trong những pho tượng quý còn được thờ tại đình làng của tỉnh Hải Dương. Tại hậu cung còn một khám thờ thành hoàng, đây là khám khá lớn kết cấu khối vuông 2 lớp, bưng gỗ 3 mặt, mặt trước có 4 cánh cửa thượng sơ hạ mật kiểu chân quay, mái khám vuông, giữa khám đặt cỗ luyện trang trí lưỡng long chầu nguyệt, mang đặc điểm tạo hình cuối thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), bệ luyện kiểu chân quỳ, dạ cá. Ngoài ra đình còn giữ được khá nhiều hiện vật có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đó là hệ thống khám thờ, ngai thờ, choé sứ, bát biểu, bát hương, sập thờ, chiêng đồng, trống đế, độc bình, mâm bồng, đài đồng ...Các hiện vật trên cần được bảo lưu cẩn thận để lưu truyền hậu thế.
Trải bao biến cố lịch sử, chiến tranh và thiên tai, đình Hậu Bổng đến nay còn tương đối chắc chắn. Ban quản lý di tích được UBND xã thành lập gồm những người có tâm huyết thay nhau trông nom di tích, vận động công đức, hướng dẫn phục vụ nhân dân hành lễ, sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh, củng cố tình cảm cộng đồng.
Với những giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học, đình Hậu Bổng đã được xếp hạng cấp quốc gia theo Quyết định số 04/2001/QĐ- BVHTT ngày 19/01/2001 của Bộ Văn hoá Thông tin. Đó là cơ sở pháp lý và khoa học để nhân dân Hậu Bổng tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử, thực hiện mục tiêu của Đảng trong việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.