Đầu tư, tôn tạo Hòn Bà (Bà Rịa - Vũng Tàu): Ðiểm du lịch tâm linh hấp dẫn
Miếu Bà nằm trên Hòn Bà, cách chân Núi Nhỏ (Bãi Sau, TP. Vũng Tàu) gần 200m. Từ hàng trăm năm nay, trong tiềm thức của người dân miền biển, Miếu Bà là nơi linh thiêng nên nhiều người thường đến đây để cầu an, cầu mong đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống ấm no thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn. Vào Rằm tháng Giêng, tháng 4, tháng 7, tháng 10 (âm lịch) hàng năm là thời điểm Miếu Bà tập trung đông đảo người dân địa phương và khách thập phương đổ về hành hương thăm viếng; trong đó, Rằm tháng Giêng là đông nhất bởi đây là thời điểm mở màn cho mùa biển mới của ngư dân. Dịp này, ban tế tự Miếu Bà cũng tiến hành các nghi lễ cúng bà, cầu nguyện cho bá tánh. Ngoài ra, Miếu Bà còn là điểm kết nối của lễ hội Nghinh Ông Đình thần Thắng Tam diễn ra từ ngày 15/8 đến 20/8 (âm lịch) hàng năm, trong đó một trong những nghi thức chính là lễ cúng nghinh thỉnh, diễu hành từ Miếu Bà về Đình thần Thắng Tam mở đầu cho các hoạt động của lễ hội Nghinh Ông.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, trong tổng thể cảnh quan của Bãi Sau, vị trí của Hòn Bà rất đẹp, không gian yên bình, tĩnh lặng. Nếu được đầu tư, tôn tạo và có hướng khai thác phù hợp, nơi đây sẽ là điểm nhấn cho toàn tuyến du lịch Bãi Sau.
Tuy vậy, từ nhiều năm nay, việc đi lại, thăm viếng Miếu Bà chưa thuận lợi vì phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều. Mỗi tháng người dân chỉ có thể ra Hòn Bà vào 4 ngày nước ròng. Khi thủy triều xuống, lộ ra một lối đi bằng đá gập ghềnh nối từ mũi Nghinh Phong ra Hòn Bà, khách hành hương phải men theo lối này để ra Hòn Bà. Đá lởm chởm, sắc nhọn, trơn trượt, chỉ cần sơ sẩy sẽ té ngã, chưa kể nếu quay trở về đất liền khi thủy triều lên hoặc trời tối mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên.
Để có cơ sở khoa học đánh giá chính xác giá trị văn hóa, tâm linh của Miếu Bà và cảnh quan Hòn Bà trong tổng thể Bãi Sau, từ đó có phương án đầu tư, tôn tạo nơi này phục vụ phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch tổ chức tọa đàm khoa học. Theo đó, dự kiến nội dung tọa đàm gồm các vấn đề: Công bố kết quả nghiên cứu nguồn gốc, giá trị văn hóa, tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ ở Nam bộ và Bà Rịa-Vũng Tàu; vị trí của di tích Miếu Bà trong đời sống tâm linh của ngư dân Vũng Tàu; mối quan hệ của Miếu Bà và Hòn Bà trong tổng thể khu di tích Đình thần Thắng Tam và trước nhu cầu phát triển du lịch của TP. Vũng Tàu; những ý tưởng nâng cấp, cải tạo cảnh quan Hòn Bà và khu vực mũi Nghinh Phong; quan điểm, mục tiêu, giải pháp quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh nói chung và Miếu Bà-Hòn Bà nói riêng… Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tên tuổi như: Dương Trung Quốc, Huỳnh Ngọc Trảng, Đinh Văn Hạnh; các tổ chức nghề nghiệp trong tỉnh như: Hội nghề cá, hội kiến trúc sư, hội nhà báo, hội văn học nghệ thuật…, các ý kiến phản biện của dư luận… sẽ góp mặt tại tọa đàm.
Theo ông Đỗ Quốc Hùng, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh, trước mắt việc xây dựng cây cầu nối mũi Nghinh Phong với Hòn Bà để người dân và khách hành hương đến Miếu Bà dễ dàng hơn là rất cần thiết. “Trong bối cảnh TP.Vũng Tàu đang thiếu các sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh, việc kết nối mũi Nghinh Phong với Hòn Bà để tạo thành một cụm du lịch văn hóa-tâm linh có ý nghĩa quan trọng. Dưới biển có thể tổ chức các môn thể thao biển vì khu vực này như một vịnh biển để sau khi tham quan các địa danh trong thành phố, leo núi du khách có thể thỏa sức vẫy vùng, vui chơi. Làm được điều này sẽ góp phần kéo dài thời gian lưu trú của khách, làm tăng doanh thu cho ngành du lịch”, ông Hùng nói.