Non nước Việt Nam

Khám phá thác Ma Hao, Thanh Hóa

Cập nhật: 08/09/2011 15:11:49
Số lần đọc: 3176
Giữa những ngày nóng nực, oi bức, được ngâm mình tắm thỏa thích dưới làn nước trong xanh, mát lành của thác Ma Hao (xã Trí Nang, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa) thì thật tuyệt vời. Đây là điểm nhấn đã và đang thu hút rất đông khách du lịch gần xa.

Ảnh: Hà Đồng

Thác Ma Hao bắt nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) có độ cao hơn 1.000m, đi qua các lũng núi rồi tạo thành dòng chảy không ngừng. Từ trên cao, những dòng nước cuồn cuộn đổ xuống, tung bọt trắng xóa. Muôn vàn hạt nước nhỏ li ti như những hạt sương mai bay lên cao, hòa quyện vào nhau như dải lụa trắng rồi lan tỏa cả một vùng rộng lớn.

Vùng nước dưới chân thác trong suốt như pha lê, nhìn xuyên suốt tận đáy. Du khách có thể nhảy xuống vùng vẫy thỏa thích trong dòng nước mát lành, tinh khiết. Nếu không muốn tắm thì có thể ngồi nghỉ ngơi trên những phiến đá to hàng trăm khối, nhẵn bóng do nước bào mòn, đón làn gió đem theo hơi nước thổi lên từ dòng thác.

Phía xa khu vực chân thác, dòng suối hiền hòa chảy róc rách dưới tán cây rừng. Không khí thoáng đãng, mát mẻ, xen lẫn mùi hương nồng nàn của rừng quế, rừng luồng của người dân bản Năng Cát, xã Trí Nang trồng, tạo nên vẻ thơ mộng và kỳ thú.

Những ngày nắng nóng, đắm mình trong không gian rừng nguyên sinh tràn ngập màu xanh và được các già làng địa phương kể nhiều câu chuyện kỳ bí về địa danh này thì không còn gì bằng.

Hiện huyện Lang Chánh đang xây dựng đề án quy hoạch quần thể du lịch sinh thái thác Ma Hao. Theo đó, tổng diện tích khu du lịch sinh thái rộng hơn 200 ha, gồm khu vực thác Ma Hao và bản Năng Cát; phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng. Nguồn nước sạch của thác sẽ được dẫn về cung cấp cho người dân thị trấn Lang Chánh và các xã phụ cận.

Bên cạnh đó, huyện cũng có chính sách khai thác tiềm năng sẵn có từ rừng, tập trung khôi phục và bảo tồn các loại hình văn hóa của người Thái như xây dựng nhà sàn truyền thống, biểu diễn nghệ thuật đánh cồng chiêng; khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm và các hoạt động khác ở bản Năng Cát để phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT